Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp chậm hơn cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiều kết quả tích cực
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa diễn ra chiều qua (1/3/2017), Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, qua 2 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. CPI tháng 2 chỉ tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 0,69% so với tháng 12/2016 và tăng 5,02% so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27,34 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường tiền tệ, hoạt động liên ngân hàng ổn định. Tổng phương tiện thanh toán tăng 1,87% so với tháng 12/2016; tín dụng đối với nền kinh tế tăng 1,23% so với tháng 12/2016. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng được bảo đảm, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt, mặt bằng lãi suất diễn biến ổn định. Hoạt động du lịch tiếp tục khởi sắc, ngay trong 2 tháng đầu năm lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt hơn 2,2 triệu lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016.
Đặc biệt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh 2 điểm sáng nổi bật trong kết quả kinh tế 2 tháng qua là thu hút, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và số lượng doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động đều có mức tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Đến nay, hầu hết các tổ chức quốc tế nhận định, năm 2017, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khá.
Phải giải quyết ngay khó khăn từ đầu năm
Người phát ngôn của Chính phủ cũng cho biết, bên cạnh những điểm sáng, Chính phủ cũng nhìn nhận nền kinh tế vẫn còn một số hạn chế, chưa có nhiều chuyển biến. Đó là tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp chậm hơn cùng kỳ năm trước, thu ngân sách cũng gặp nhiều khó khăn nên đạt kết quả thấp hơn cùng kỳ 2016.
Tại cuộc họp Chính phủ diễn ra trước cuộc họp báo, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam 2 tháng đầu năm tăng 2,4%, thấp hơn nhiều mức tăng 6,8% của cùng kỳ năm ngoái, nhất là các ngành chế biến, chế tạo, phân phối điện... đều tăng thấp. Đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến chỉ số tăng trưởng. Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% trong khi cùng kỳ năm 2016 tăng 9,7% cho thấy tổng cầu phục hồi chậm.
Thủ tướng cho rằng, các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tăng thấp trong khi đó khu vực nông nghiệp không thể tăng cao, nên phải có giải pháp quyết liệt để bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%.
"Các bộ, ngành cần có ý kiến cụ thể, từng lĩnh vực cần phải làm gì, đầu tư làm gì, tài chính làm gì, tín dụng làm gì, có kích cầu không, ở mức độ nào? Chúng ta biết khó khăn trong tăng trưởng, phải giải quyết ngay chứ để giữa năm và cuối năm thì rất khó thực hiện. Tôi đề nghị các đồng chí bộ trưởng, nhất là các bộ liên quan lớn đến tăng trưởng phải quyết liệt chỉ đạo, bằng mọi cách bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ phân tích tình hình trong nước gắn với tình hình quốc tế trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng. Chúng ta có nhiều chuyển biến tốt nhưng còn chậm so với các nước trong khu vực và còn nhiều việc phải làm, nhất là nâng cao hiệu quả, năng lực của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 2, Chính phủ đã dành thời gian cho công tác thể chế, trong đó có thảo luận về Luật Quản lý nợ công sửa đổi, xem xét một số nội dung như Dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dược.
Liên quan đến Luật Quản lý nợ công sửa đổi, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã khẳng định nợ do doanh nghiệp nhà nước tự vay tự trả không thuộc phạm vi nợ công của Chính phủ. Không chuyển nợ của doanh nghiệp sang nợ của Chính phủ, nếu không trả nợ được thì áp dụng những quy định pháp luật mạnh nhất để yêu cầu doanh nghiệp trả nợ, trong đó có việc áp dụng phá sản doanh nghiệp.