Tổng kết 10 năm thực thi Nghị quyết số 09-NQ/TW: Xác định vai trò của doanh nhân trong bối cảnh mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều ngày 15/9/2022, tại trụ sở Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW đã có buổi làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp (DN), đội ngũ doanh nhân về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI).
Ban Chỉ đạo Trung ương làm việc với đại diện đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) chiều ngày 15/9
Ban Chỉ đạo Trung ương làm việc với đại diện đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) chiều ngày 15/9

Doanh nghiệp không ngừng phát triển cả về chất là lượng

Năm 2011, lần đầu tiên, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) và hội nhập quốc tế.

Sau khi Nghị quyết số 09 được ban hành, theo ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết cho rằng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

“Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn DN đang hoạt động, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Nếu tính cả 14,4 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh, thì Việt Nam đã có hơn 7 triệu doanh nhân. Nhiều DN, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong quản trị DN, sản xuất - kinh doanh với những dự án đầy tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế. Một số tập đoàn kinh tế, DN tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp... Khu vực DN đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, doanh nhân còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước; tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, với sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng DN hoạt động ngày càng thuận lợi hơn, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng trưởng mạnh, hiện có hơn 1,152 triệu doanh nghiệp thành lập mới, tăng gấp 2 lần so với trước năm 2011 và bình quân mỗi năm có gần 104.739 doanh nghiệp ra đời). Cùng với đó, chất lượng của đội ngũ doanh nhân được cải thiện rõ rệt.

Yêu cầu mới, khát vọng mới

Theo ông Trần Tuấn Anh, công cuộc đổi mới ở nước ta đang bước vào giai đoạn mới trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mang lại nhiều cơ hội, thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Tại Buổi làm việc, các doanh nhân, đại diện các hiệp hội DN đã tập trung thảo luận các nhóm nội dung theo gợi ý của Trưởng Ban chỉ đạo gồm: 3 quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 09-NQ/TW; việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết; kết quả thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ của Nghị quyết; vai trò của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN trong việc thúc đẩy quá trình CNH, HĐH và hội nhập kinh tế ở Việt Nam; những cơ hội và thách thức cho việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo ông Phạm Tấn Công, vị thế, uy tín và tiềm lực của đất nước hiện nay đã khác rất nhiều so với 10 năm trước. Để nắm bắt được thời cơ và vượt qua thách thức trong bối cảnh mới, trước tiên, bản thân đội ngũ doanh nhân phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của mình trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; chủ động hơn nữa trong việc hội nhập, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh và khuyến khích tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính; đồng thời nâng cao hiệu quả tổ chức thực thi chủ trương, chính sách, pháp luật.

“Những cơ chế, chính sách này phải tạo ra cơ chế bình đẳng, tạo thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt quy mô lớn, hay nhỏ, nhà nước, tư nhân hay đầu tư nước ngoài. Nếu được tham gia cùng các nhà thầu lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ lớn dần lên, kể cả việc chấp nhận không tính lãi, thậm chí lỗ để lấy năng lực, kinh nghiệm”, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kỳ vọng.

Trước buổi làm việc này, ông Trần Tuấn Anh cho biết, Ban Kinh tế Trung ương đã nhận được báo cáo tổng kết của 62/63 tỉnh/thành ủy, 21/22 cơ quan Trung ương. Những ý kiến đóng góp sẽ là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo tham mưu với Bộ Chính trị về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhằm xây dựng và phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới. Dự thảo Báo cáo sẽ được trình Bộ Chính trị trước ngày 15/11/2022.

Tin cùng chuyên mục