Thị trường TP.HCM tiếp tục khan hiếm căn hộ hạng C. Ảnh: Gia An |
Thực tế những gì đã và đang diễn ra trên thị trường bất động sản TP.HCM cho thấy, từ giữa năm 2017 đến nay, phân khúc căn hộ hạng C có sự sụt giảm mạnh và luôn bị áp đảo bởi căn hộ hạng A, B, thậm chí có những tháng không có nguồn cung mới.
Theo số liệu thống kê từ DKRA Vietnam, nếu như nguồn cung căn hộ hạng C chiếm 32% trên thị trường trong quý 1/2018, 29% trong quý 2/2018, thì sang quý 3/2018, nguồn cung ghi nhận bằng 0%. Tình hình khan hiếm căn hộ hạng C theo dự báo có thể kéo dài sang những tháng tiếp theo.
Đáng lưu ý, ở thời điểm 2016 – 2017, căn hộ hạng C có thể được tìm mua ở quận 8, quận 9… Tuy nhiên, hiện tại, các dự án căn hộ hạng C đều tập trung ở một số khu vực thuộc quận/huyện ngoại thành như quận 12, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh…
Điều này cho thấy, cùng với sự sụt giảm nguồn cung, vị trí phân bố căn hộ hạng C cũng đang có sự dịch chuyển ngày càng xa trung tâm thành phố. Mặt khác, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông cũng chưa mấy đồng bộ, gây khó khăn cho cư dân trong giao thương và sinh hoạt.
Bên cạnh đó, nhiều dự án căn hộ hạng C cũng được đánh giá là kém hấp dẫn với người dân bởi một số yếu tố như chất lượng sản phẩm, tiện ích nội khu, quản trị chung cư, chính sách bán hàng, nguồn vốn hỗ trợ mua nhà…
Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Vietnam nhận định, thị trường đang có biểu hiện bất hợp lý ở tỷ lệ nguồn cung giữa các phân hạng căn hộ. Trên thực tế, nguồn cung căn hộ hạng C phải chiếm tỷ trọng lớn hơn nguồn cung các phân khúc còn lại vì đây là phân khúc đáp ứng đa phần nhu cầu nhà ở của người mua.
Hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ chiếm đa số và có mức thu nhập không cao, hướng đến căn hộ hạng C với nhu cầu mua nhà lần đầu để ở. Đồng thời, trong quá trình đô thị hóa và các chương trình cải tạo, chuyển đổi chung cư cũ, tái định cư nhà ở ven kênh rạch, căn hộ hạng C được xem là phân khúc phù hợp với nhu cầu nhà ở bức thiết và điều kiện tài chính của người dân.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, vấn đề đáng quan ngại nhất của thị trường bất động sản TP.HCM những tháng cuối năm 2018 và trong năm 2019 chính là tình trạng mất cân bằng cung - cầu, do nguồn cung dự án bất động sản, nguồn cung sản phẩm bất động sản và số lượng giao dịch đã có sự sụt giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2018.
Do đó, các doanh nghiệp cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1 - 2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn), vì đây đang là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững.
Để giải bài toán này, các công ty nghiên cứu thị trường cho rằng, về phía chủ đầu tư, việc điều chỉnh giá thành sản phẩm về mức giá hợp lý và tăng cường các chính sách hỗ trợ khách hàng sẽ góp phần đưa căn hộ hạng C đến tay khách hàng, từ đó kết nối nguồn cung đáp ứng nhu cầu ở thật.
Dĩ nhiên, Nhà nước và các Bộ, Sở, ban ngành, cơ quan chức năng đóng vai trò rất quan trọng trong việc ban hành, triển khai các chương trình nhà ở quốc gia mang tính dài hạn, quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ giữa các khu vực, hoàn thiện hệ thống giao thông…
Phân khúc căn hộ hạng C khan hiếm trong quý 3 và nhiều khả năng tiếp tục ”lép vế”, khi dự báo tổng nguồn cung phân khúc căn hộ trong quý 4/2018 tại TP.HCM ở mức 8.,000 – 10.000 căn, trong đó căn hộ hạng A và B tiếp tục dẫn dắt thị trường, còn căn hộ hạng C không có nhiều dự án mới.
“Nguồn cung căn hộ khu vực phía Đông có xu hướng tăng lên và chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường. Sức cầu của thị trường có thể tăng nhẹ so với quý 3 do tâm lý người dân và xu hướng dòng tiền trong thời gian cuối năm”, ông Phạm Lâm chia sẻ.