Năm 2017, TP.HCM sẽ đổi mới toàn diện công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng... theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Ảnh: Lê Tiên |
Chất lượng dịch vụ cũng như kinh phí đối ứng của nhà thầu khi tham gia các gói thầu này sẽ được TP.HCM xem xét theo tiêu chí mới, đảm bảo đối tượng thụ hưởng là các doanh nghiệp sẽ được ưu tiên hàng đầu.
Nhiều đầu việc đang đợi nhà thầu tư vấn
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, ngày 23/2/2017, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo năm 2017 chính thức được công bố đến các nhà thầu tư vấn, các doanh nghiệp trên địa bàn. Chương trình được xây dựng với mục tiêu tiếp sức cho doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời áp dụng vào thực tiễn các hệ thống quản lý và quản trị năng suất, chất lượng, đổi mới sáng tạo, thông qua đó nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Cũng theo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, thông qua đấu thầu, năm 2016, Sở đã tổ chức đào tạo cho 1.069 doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo, quản trị tài sản trí tuệ...; trong đó, có 449 doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng điểm. Đối với hoạt động tư vấn nâng cao năng suất, chất lượng và quản trị tài sản trí tuệ, Sở đã tư vấn giải pháp tiết kiệm năng lượng và đổi mới công nghệ cho 104 doanh nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí năng lượng gần 57 tỷ đồng/năm. Số lượng doanh nghiệp được tư vấn trong năm 2016 là 346 doanh nghiệp… Năm 2017 sẽ mở thêm rất nhiều đầu việc kêu gọi sự tham gia của các nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo… tham gia.
Tư vấn phải sát cánh với doanh nghiệp từ đầu
“Chúng ta đều biết rằng, vì nhu cầu của doanh nghiệp rất đa dạng, khác nhau, mà đáp án của nhà thầu thông qua hồ sơ đề xuất lại chỉ là giải pháp đơn thuần theo những gì tư vấn có, chỉ chào việc của mình làm được chứ không phải cái mà doanh nghiệp cần. Do đó, Sở đã thay đổi cách làm, thiết kế lại công cụ theo định hướng thị trường. Tư vấn phải chuyển động để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu của TP.HCM cũng sẽ chuyển động theo xu hướng này”, ông Dũng cho biết.
Cụ thể, các đơn vị tư vấn phải tự thân vận động, tìm hiểu và đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Sau đó, đơn vị tư vấn và doanh nghiệp thống nhất với nhau về nội dung thực hiện để đề xuất lên hội đồng, chuyên gia của ngành khoa học công nghệ để đánh giá khả năng thực hiện và tính hiệu quả rồi mới triển khai. “Chúng tôi cho rằng, việc lựa chọn nhà thầu tư vấn, hỗ trợ đổi mới hoạt động doanh nghiệp không thể lựa chọn một giải pháp kỹ thuật thông thường. Đặc biệt, chúng tôi sẽ ưu tiên xem xét các đề xuất có kinh phí đối ứng, tức là tăng cường hợp tác công tư trong lĩnh vực này. Do đó, từ năm 2017, việc lựa chọn nhà đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ là hướng trọng tâm của TP.HCM trong các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo”, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thông tin thêm.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM
Nhà thầu tư vấn phải lăn xả vào thị trường, bám sát hoạt động và hiểu rõ doanh nghiệp để từ đó có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần thiết, phù hợp.