TP.HCM là nơi lý tưởng để khu vực tư nhân phát triển, trở thành một động lực quan trọng của kinh tế thành phố |
Trong số nhiều thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM sau 42 năm giải phóng, nếu nói về những dấu ấn phát triển, ông ấn tượng điều gì?
Sau 42 năm xây dựng, đổi mới, phát triển và hội nhập, Thành phố (TP) đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, có những biến đổi sâu sắc, toàn diện trên tất cả lĩnh vực, là nơi khởi xướng và đi đầu của cả nước về khát vọng vươn lên.
Có thể nói, một trong những dấu ấn nổi bật của TP là tốc độ phát triển kinh tế đạt được trong thời gian qua rất tốt. Từ mức tăng tổng sản phẩm nội địa bình quân 3%/năm trong giai đoạn 1976 - 1985, bước sang giai đoạn đổi mới, nhiều năm liền tăng trưởng kinh tế của TP được duy trì ở mức bình quân từ 10 - 12%/năm. Đặc biệt, giai đoạn 2011 - 2015, tuy chịu sự tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nhưng GDP của TP tăng bình quân 9,6%/năm. So với Sài Gòn - Gia Định 42 năm trước đây, quy mô kinh tế đã tăng gấp nhiều lần, TP đã trở thành đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, và là đầu tàu, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn, tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng, góp phần phát triển đất nước.
Đặc biệt, xuất phát từ thực tiễn trong công tác lãnh đạo điều hành, kết hợp với tính năng động, sáng tạo, TP đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách, đóng góp vào quá trình hình thành, hoàn thiện chủ trương chính sách theo đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước một cách sáng tạo. Một số mô hình hiệu quả đã được nhân rộng cả nước như: hình thành nền sản xuất hàng hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia; đề xuất Trung ương cho phép xây dựng các khu chế xuất (KCX) - khu công nghiệp tập trung trên địa bàn (KCX Tân Thuận là KCX đầu tiên tại Việt Nam được thành lập năm 1991); tổ chức, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (Công ty CP Cơ điện lạnh REE là doanh nghiệp được cổ phần hóa đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1993).
Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo được TP hết sức chú trọng và kết quả đạt được rất tốt. TP.HCM đã không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia và từ năm 2015, công tác giảm nghèo đã bước sang một giai đoạn lịch sử với yêu cầu cao hơn là giảm nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo thế giới. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn TP năm 2016 đạt 5.428 USD, cao gấp 14,5 lần so với năm 1976…
Những kết quả đạt được trên đây là thành quả từ công sức, trí tuệ, tâm huyết, mồ hôi và cả nước mắt của bao thế hệ đồng bào, đồng chí đã dành cho TP trong suốt 42 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, chính sách mang tính đột phá để phát triển kinh tế tại “đầu tàu” kinh tế lớn như TP.HCM cần được quan tâm như thế nào?
Hiện nay, dư địa tăng trưởng của TP.HCM còn rất lớn. TP hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các thành phố lớn của châu Á. Để khai thác được các dư địa đó, tôi nghĩ rằng vấn đề quan trọng nhất của TP không phải là xin Trung ương cho thêm hay bớt về ngân sách, mà cần có cơ chế để TP tự chủ về ngân sách, hướng đến cân bằng ngân sách tích cực hơn để có thể tạo ra nguồn thu cho mình một cách chủ động hơn, tạo ra môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tốt nhất; đồng thời, phải thực hiện bằng được việc liên kết vùng; khơi thông sức dân và tạo vốn xã hội; củng cố cấu trúc vận hành TP.
Ngoài ra, trong dài hạn, TP cần tập trung phát triển kinh tế ở trình độ cao hơn, đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên hàm lượng tri thức, công nghệ tiên tiến và năng suất cao, kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; hoạt động kinh tế chủ yếu là dịch vụ và sáng tạo.
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã thông qua 14 chỉ tiêu, 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, 7 chương trình đột phá liên quan đến các lĩnh vực cơ bản và trọng yếu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển TP. Để khu vực tư nhân thực sự quan tâm, đồng hành cùng TP trong các chương trình này, TP.HCM tạo điều kiện như thế nào giúp tư nhân nhập cuộc?
Kinh tế tư nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với TP.HCM, kể cả 7 Chương trình đột phá, TP cũng ra sức huy động, kêu gọi nguồn lực của tư nhân tham gia đồng hành cùng TP. Dù có khó khăn đến mấy, TP cũng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để khu vực này phát triển.
Trước mắt, TP sẽ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp; thành lập Tổ công tác liên ngành một cửa để xem xét các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Tổ công tác liên ngành có trách nhiệm hoàn chỉnh mọi thủ tục đến khi dự án được thực hiện, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Tổ công tác mà không cần thông qua bất kỳ đơn vị nào khác. TP sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp với bộ, ngành và các tỉnh, thành (kể cả doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài).
Cùng với đó là tạo quỹ đất sạch 1.000 ha để thu hút khu vực tư nhân đầu tư. Đồng thời, bổ sung các dự án khởi nghiệp, các dự án đầu tư tại Khu nông nghiệp công nghệ cao, Khu công viên phần mềm Quang Trung, Công viên khoa học công nghệ vào Chương trình kích cầu đầu tư. Thêm nữa là rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, cắt giảm quy trình không cần thiết; ứng dụng công nghệ thông tin thông suốt, đồng bộ từ TP đến cơ sở; xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh,...
TP tin tưởng rằng, với truyền thống năng động sáng tạo, vì dân, cùng doanh nghiệp vì doanh nghiệp, TP sẽ ngày càng hấp dẫn đối với mọi thành phần kinh tế, đây sẽ là nơi lý tưởng để khu vực tư nhân phát triển, trở thành một động lực quan trọng của kinh tế TP.