Theo báo cáo, TP.HCM đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hướng tới nâng cao hơn chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp nhưng sự chuyển biến lại chưa mạnh mẽ. Cụ thể, các chỉ số thành phần của PCI Thành phố trong giai đoạn này có tăng nhưng không nhiều (1,97 điểm trong 3 năm), trong khi các tỉnh thành khác có sự tăng mạnh về điểm số nên dẫn tới việc TP.HCM bị xuống hạng.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm, TP.HCM đạt được kết quả khả quan. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 163.200 tỷ đồng (đạt 40,2% dự toán); tổng sản phẩm trên địa bàn dự ước tăng khoảng 2% so với cùng kỳ; khối lượng đầu tư công giải ngân triển khai trên thực tế đạt gần 18.000 tỷ đồng (đạt 43% kế hoạch vốn); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 614.600 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Trong năm 2020, UBND TP.HCM áp dụng tối đa ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ công với thủ tục đơn giản, rút ngắn thời gian.
"UBND TP.HCM sẽ tăng cường tiếp xúc, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng lực sản xuất. Thành phố sẽ tập trung kết nối doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp sản xuất, giữa doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối, kết nối doanh nghiệp TP.HCM với doanh nghiệp các địa phương trong và ngoài nước, nhằm hình thành các mối quan hệ hợp tác kinh doanh", Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm khẳng định.