Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Bờ Tây sông Sài Gòn
Câu chuyện UBND TP.HCM mới vừa chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ TP.HCM thực hiện Dự án Đầu tư khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son tại số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1 với tổng vốn đầu tư gần 30.000 tỷ đồng đang thu hút sự chú ý của dư luận và giới chuyên gia kiến trúc đô thị.
Điểm đáng quan tâm của Dự án (có quy mô 25,29ha) chính là ở phía Đông và Đông Nam giáp sông Sài Gòn. Và dọc tuyến đường Tôn Đức Thắng cận kề với bờ sông sẽ xây dựng các công trình điểm nhấn là các cao ốc văn phòng cao 60 tầng.
Ngoài dự án này thì một số siêu dự án khác tại khu trung tâm TP.HCM hiện tại và trong tương lai gần cũng chọn điểm nhấn “bờ sông đô thị”, được đầu tư xây dựng liên hoàn dọc bờ Tây sông Sài Gòn, từ cầu Tân Thuận cho đến cầu Sài Gòn. Theo nhóm chuyên gia Lương Thu Anh, Nguyễn Tất Thắng (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM), trong Đồ án quy hoạch chung TP.HCM, khu trung tâm hiện hữu 930ha đề xuất mở không gian đô thị trung tâm về phía sông Sài Gòn. Cùng với bờ sông ở Thủ Thiêm, không gian công cộng dọc hai bên bờ sông Sài Gòn có chiều rộng trung bình khoảng 450m và chiều dài khoảng 8km, nhằm tạo ấn tượng sâu sắc về một đô thị ven sông.
Nhóm nghiên cứu này nhận định, sông Sài Gòn, nơi từng là giới hạn nay trở thành tâm điểm của Thành phố. Đó là hình ảnh tích cực và bền vững của một đô thị đẳng cấp quốc tế. Bởi thực tế trước đây, sông Sài Gòn là đường bờ rìa của TP.HCM, được dùng để vận chuyển và hỗ trợ thương mại. Một số đoạn, dòng sông bị ô nhiễm nặng và bờ sông được dùng làm cơ sở công nghiệp đóng tàu hay cảng biển, nhà kho chứa hàng. Chính những điều này đã ngăn cách cư dân đô thị tiếp xúc với mặt nước, với dòng sông.
Ưu tiên không gian xanh
Nhóm nghiên cứu của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết, các công viên bờ sông sẽ xuất hiện khi phát triển các khu đất dọc bờ Tây sông Sài Gòn (khu vực Ba Son, Tân Cảng, khu Cảng Sài Gòn…). Việc thực hiện dự án tại 3 khu tái phát triển này, công viên công cộng là thành phần ưu tiên thực hiện trước. Các công viên bờ sông nằm trong phần đất giao cho chủ đầu tư tư nhân thực hiện.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, cần tiếp tục nghiên cứu quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thiết kế đô thị trên tổng thể dải công viên bờ Tây sông Sài Gòn nhằm tối ưu hoá không gian công cộng này ở cấp độ Công viên công cộng cấp Thành phố.
Giới chuyên gia đô thị cũng cho rằng, cần tập trung phát triển cao tầng ở một số điểm (khu vực) phù hợp thu hút đầu tư vào các khu vực dọc bờ Tây sông Sài Gòn. Tại các khu vực như Ba Son, Tân Cảng, Khu cảng Sài Gòn với chức năng sử dụng đất hỗn hợp tạo nên không gian đô thị thấp dần về phía sông. Kết nối không gian và giao thông với Khu đô thị mới Thủ Thiêm dọc 2 bên sông Sài Gòn, hình thành dải công viên và không gian công cộng, đảm bảo sự tiếp cận của người dân Thành phố đến toàn bộ khu vực cây xanh dọc bờ sông Sài Gòn. Riêng các công trình có tính chất lịch sử tại khu Ba Son thì nên được bảo tồn phát huy giá trị.
Theo TS. KTS. Phạm Phú Cường, Phó Trưởng Khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc TP.HCM, việc phát triển mở rộng trung tâm hiện hữu về bờ Tây sông Sài Gòn và trung tâm mới Thủ Thiêm đã mở ra hướng khả thi để điều tiết quy mô xây dựng và tầng cao công trình sang các khu vực trung tâm mới.
Cũng theo ông Phạm Phú Cường, tại trung tâm hiện hữu, các quần thể công trình cao tầng chỉ nên giới hạn tại một số vị trí phù hợp như quảng trường Mê Linh, các trục đường thương mại lộ giới lớn, giá trị sử dụng đất cao, gần không gian sông nước rộng thoáng như đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi đoạn tiếp cận sông Sài Gòn.
Còn sông Sài Gòn với vai trò là một không gian mở, một khoảng lặng quý giá, sẽ góp phần điều tiết, làm giảm nhẹ quy mô của các toà nhà cao tầng. Đặc điểm bóng dáng đô thị như vậy sẽ tạo nên chân trời đô thị đặc trưng của một trung tâm đô thị hình thành và phát triển theo hai bờ sông nước.