TP.HCM: Kỳ vọng PPP sẽ là kênh dẫn vốn cho các dự án metro

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát triển vận tải hành khách khối lượng lớn tại TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn do nguồn lực của Thành phố chưa thể đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, lãnh đạo TP.HCM tin tưởng, hành lang pháp lý về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đã được sửa đổi, cộng với kỳ vọng được giao thêm quyền cho địa phương chủ động khai thác tốt hơn quỹ đất, sẽ giúp thu hút nhà đầu tư tham gia vào các dự án metro, tạo động lực mới cho phát triển dài hạn.
Tổng kinh phí cho các dự án đầu tư xây dựng metro tại TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025 dự kiến khoảng 103.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Tổng kinh phí cho các dự án đầu tư xây dựng metro tại TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025 dự kiến khoảng 103.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Tại Hội thảo Phát triển theo định hướng giao thông công cộng và quan hệ đối tác công - tư trong phát triển mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM ngày 19/12/2022, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, TP.HCM đang trở thành một “siêu đô thị” với quy mô dân số lên tới 13 triệu người. Theo đó, địa phương này đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là tình trạng quá tải, xuống cấp của hạ tầng giao thông, sự bùng phát của phương tiện giao thông cá nhân.

Để khắc phục tình trạng trên, TP.HCM đã sớm ban hành nhiều kế hoạch, chương trình phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Cụ thể, TP.HCM đã hình thành 8 tuyến đường sắt đô thị (metro), hiện có 2 tuyến (số 1 và số 2) đang triển khai. “Chúng tôi có kế hoạch xúc tiến, kêu gọi đầu tư các tuyến metro tiếp theo vì nguồn lực tài chính để thực hiện các tuyến metro là rất lớn, khoảng 15 tỷ USD. Hiện nay, dù đã huy động thông qua nhiều nguồn, nhưng cũng mới sắp xếp được 25% số vốn cần có để phát triển các dự án metro”, ông Quang Lâm nói.

Cũng theo ông Quang Lâm, từ rất sớm, TP.HCM đã nhận thức rằng, dự án metro không thể hoàn toàn phụ thuộc vào các nguồn vốn ngân sách nhà nước (vốn trung ương, vốn địa phương, vốn vay). Thực tế, hiện tỷ lệ điều tiết ngân sách mà TP.HCM được giữ lại chưa đủ để chủ động trong phân bổ cho các dự án, dù 70% số ngân sách này đã được Thành phố ưu tiên dành cho giao thông.

UBND TP.HCM cho biết, tổng kinh phí cho các dự án đầu tư trọng điểm phát triển kết cấu hạ tầng dự kiến là 243.000 tỷ đồng, tính cho giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, các dự án đầu tư xây dựng metro có quy mô dự kiến là 103.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 43%. Nhu cầu này lớn hơn nhiều nguồn vốn ngân sách cho các dự án hạ tầng giao thông được phê duyệt hàng năm tại TP.HCM, hiện chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng/năm.

Theo đánh giá của ông Shige Sakaki, Điều phối viên Chương trình giao thông thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, sự xuống cấp của hạ tầng giao thông công cộng là một loại rủi ro đang cản trở sự phát triển của TP.HCM trong tương lai. “Vận tải hành khách khối lượng lớn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mọi siêu đô thị trên thế giới. Nếu thiếu các giải pháp nâng cao chất lượng của mạng lưới vận tải công cộng sẽ khiến TP.HCM mất dần tính cạnh tranh so với khu vực”, ông nói. Thực tế, hiện tỷ lệ vận tải công cộng tại TP.HCM chỉ chiếm 9%. TP.HCM đã có chương trình phát triển giao thông công cộng với nhiều tham vọng phủ kín mạng lưới đường bộ lẫn đường sắt, nhưng chuyên gia WB khuyến nghị, địa phương này rất cần mở rộng thu hút đầu tư, đa dạng hóa các nguồn lực để tăng nguồn lực cho mạng lưới vận tải công cộng.

Thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, hiện tại đã bước sang năm thứ 5, TP.HCM không triển khai các dự án có hình thức hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng), nhưng rất kỳ vọng PPP sẽ là kênh dẫn vốn hấp dẫn. Tận dụng hành lang pháp lý về PPP được hoàn thiện từ năm 2018, TP.HCM đang đề xuất sửa đổi Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM theo hướng tăng thẩm quyền cho TP.HCM trong điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch để gia tăng hiệu quả khai thác quỹ đất. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường tin rằng, nếu huy động được vốn từ PPP để phát triển mạng lưới metro với chuỗi nhà ga kết nối đô thị, sẽ đem lại giá trị lớn về tái thiết đô thị và tạo nên giá trị kinh tế rất lớn cho nhà đầu tư tư nhân khi tham gia đầu tư metro.

Đơn cử, tại Chiến lược phát triển Ga S6 thuộc tuyến metro số 5-2 (dài 14,5 km đi qua các quận: 8, 5, 1, 10, Tân Bình và Bình Chánh với 13 nhà ga), theo tính toán của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, đến năm 2035 có thể thu hút 92.728 lượt hành khách. Việc quy hoạch đô thị bằng quỹ đất dọc tuyến, khai thác hiệu quả giá trị thương mại không gian công cộng được đánh giá là khả thi.

Bà Mukta Malhotra đến từ Quỹ Hạ tầng toàn cầu cho rằng, phương thức PPP sẽ phát huy tốt tại các dự án giao thông công cộng khi có những bước chuẩn bị từ khâu quy hoạch, xác định giá trị quỹ đất, khai thác thương mại không gian công cộng cũng như tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư minh bạch, hấp dẫn.

Tin cùng chuyên mục