TPP là cơ hội để Việt Nam “lớn lên“

Những thách thức lớn nhất của TPP với Việt Nam không phải là ủng hộ những người yếu thế, mà là tạo cơ hội cho những người mạnh nhất để cạnh tranh, để tạo việc làm cho hàng triệu người lao động.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 4/2/2016, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được chính thức được ký kết tại thành phố Auckland, New Zealand. Mặc dù phải đến năm 2018 hiệp định TPP mới chính thức có hiệu lực nhưng theo Viện kinh tế quốc tế Peterson, Việt Nam sẽ có thu nhập tăng 13,6% và xuất khẩu tăng đến 31,7%, cao nhất trong 12 quốc gia thành viên TPP.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là những thách thức lớn bởi doanh nghiệp Việt còn nhỏ bé. Trong khi đó, hội nhập, mở cửa sẽ tạo ra sự cạnh tranh sòng phẳng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp tại các nước và ngay chính “sân nhà”, không hạn chế bởi không gian địa lý.

Chia sẻ với chúng tôi về những thách thức đối với DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nói thách thức lớn nhất mà DN cần đối mặt chính là thách thức từ bên trong, từ môi trường kinh doanh, thể chế, chính sách…

Bà Lan nhắc lại thực tế trong quá trình đổi mới, hội nhập 30 năm qua, DN Việt Nam vẫn rất nhỏ bé, chưa tận dụng được nhiều lợi ích từ việc mở cửa thị trường. Ngược lại, các DN FDI đã tận dụng tốt các lợi thế này để mở rộng thị trường, đẩy lùi thị phần của các DN Việt Nam ngay tại thị trường trong nước.

Nhận thức được vấn đề này, từ hai năm nay, Chính phủ đã có Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được cộng đồng quốc tế và nhà đầu tư đánh giá cao. Tuy nhiên, qua hai năm triển khai, đến nay chỉ có 2 bộ và 3 địa phương có triển khai tích cực và kết quả rõ ràng từ việc thực hiện Nghị quyết này.

“Các bộ, ngành, địa phương vẫn rất thờ ơ với việc cải thiện môi trường kinh doanh, coi đó là chuyện của Nhà nước và doanh nghiệp” - bà Phạm Chi Lan trăn trở.

Bên cạnh sự thiếu quyết liệt của một số bộ, ngành, địa phương, một khó khăn đối với các DN là bản thân họ thiếu sự chuẩn bị phù hợp, cho rằng hội nhập 5-10 năm tới mới giảm thuế, nên “chưa cần lo”.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Uỷ ban tư vấn Chính sách Thương mại quốc tế VCCI cho biết, trong quá trình đi khảo sát, nhiều doanh nghiệp, người nông dân có hiểu biết rất sơ sài về hội nhập TPP nói riêng và các thoả thuận hội nhập khác nói chung, sự chuẩn bị hầu như không có.

“Người Việt Nam có câu “nước đến chân mới nhảy” nhưng tôi thấy lần nào nhảy cũng thành công. Không biết lần này chúng ta có 'nhảy’ qua không”- ông Huỳnh ví von.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lại đưa ra một góc nhìn khác về hội nhập TPP. Theo ông Thành, không nên chỉ lo ngại về hội nhập mà cần phải tự tin, phải “liều”.

Những thành công trong hội nhập của 20 năm qua khi chúng ta ký Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN, tham gia WTO đã chứng minh nguyên lý, trong hội nhập quan trọng không phải là lợi thế tuyệt đối mà là lợi thế so sánh. Đó là lý do Việt Nam có thể bắt tay cùng các nước lớn, tham gia hiệp định tiêu chuẩn cao bậc nhất thế giới như TPP.

Nêu quan điểm về vấn đề cần chú trọng trong hội nhập TPP, ông Võ Trí Thành cho rằng việc quan tâm hỗ trợ nhóm yếu thế là không sai, nhưng điều quan trọng là phải ủng hộ những người thắng cuộc, người đi tiên phong, đó sẽ là những người dẫn dắt cuộc chơi.

Những thách thức lớn nhất của TPP với Việt Nam không phải là ủng hộ những người yếu thế, mà là tạo cơ hội cho những người mạnh nhất để cạnh tranh, để tạo việc làm cho hàng triệu người lao động.

“TPP tạo điều kiện cho chúng ta chơi với những người giỏi nhất, nước lớn nhất. Đó chính là cơ hội để chúng ta lớn lên. Một khi đã làm quen với TPP, chi phí tuân thủ của DN sẽ giảm rất nhiều, môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh hơn. Hy vọng với các cải cách hiện nay của Chính phủ, trong 5-10 năm tới chúng ta sẽ có giới DN phát triển đúng nghĩa”- ông Thành chia sẻ.