Cơ quan thuế yêu cầu các tổ chức tín dụng kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng đối với các khoản thu từ thư tín dụng phát sinh từ ngày 1/1/2011. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Điều 2, UCP 600 - Quy tắc và thực hành thống nhất tín dụng chứng từ do Phòng Thương mại quốc tế (ICC) ban hành năm 2007, L/C là “cam kết chắc chắn của ngân hàng phát hành để thanh toán khi nhận được chứng từ phù hợp”. Theo đó, nếu người mua không thanh toán đúng hạn theo quy định trong hợp đồng, ngân hàng phát hành L/C sẽ phải thực hiện cho vay bắt buộc đối với người mua để thanh toán cho người bán.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, pháp luật chuyên ngành của Việt Nam từ năm 2011 đến nay đều quy định nghiệp vụ L/C là nghiệp vụ lưỡng tính, vừa là hình thức cấp tín dụng (trường hợp ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận thư tín dụng), vừa là hoạt động thanh toán (khi ngân hàng đóng vai trò là người cung cấp các dịch vụ thanh toán như thông báo L/C, chuyển nhượng L/C…).
Luật Thuế GTGT và Công văn hướng dẫn về thuế GTGT trước đây đều không đề cập đến việc thu thuế GTGT cho nghiệp vụ L/C. Năm 2010, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 11754/BTC-CST ngày 6/9/2010 hướng dẫn cụ thể: “… các khoản thu về phát hành, xác nhận, thông báo thư tín dụng là khoản thu bảo lãnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT”.
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn 11754/BTC-CST, từ năm 2010 đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) không thu thuế GTGT của khách hàng đối với các khoản thu có cam kết thanh toán/bảo lãnh liên quan đến quy trình phát hành, xác nhận, thông báo thư tín dụng. Các TCTD chỉ thu thuế GTGT của khách hàng đối với các khoản phí có tính chất dịch vụ liên quan đến việc vận hành trong quá trình xử lý các nghiệp vụ thư tín dụng.
Tuy nhiên, ngày 22/4/2020, Tổng cục Thuế có Văn bản số 1606/TCT-DNL chỉ đạo các cục thuế địa phương L/C là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định tại Khoản 15 Điều 4 Luật Các TCTD 2010, do vậy sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ L/C, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không đều phải chịu thuế GTGT kể từ ngày 1/1/2011. Hiện các cơ quan thuế địa phương đang yêu cầu TCTD rà soát, kê khai và nộp thuế GTGT đối với các khoản thu từ L/C phát sinh từ ngày 1/1/2011.
VNBA cho rằng, việc áp thuế GTGT đối với toàn bộ nghiệp vụ L/C cũng như việc hồi tố đối với các giao dịch phát sinh trong 10 năm qua gây nhiều khó khăn cho các TCTD.
Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: “Nếu thu thuế với cả L/C thì vừa đúng luật vừa trái luật, đúng với phần dịch vụ thanh toán và sai với phần tín dụng. Mặc dù khái niệm cơ bản vẫn còn nhiều rắc rối, nên bóc tách nghiệp vụ để tính rõ phần nào thu và phần nào không thu. Xác định thu là phải đúng và không thiếu một đồng, xác định không thu thì không thể truy thu dù chỉ một đồng".
Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), hiện nay có hai cách hiểu về L/C, một bên coi là phương thức thanh toán, một bên coi đây là một hình thức bảo lãnh.
"L/C là một cam kết thanh toán có điều kiện bằng văn bản của một tổ chức tài chính với điều kiện bên thụ hưởng phải xuất trình toàn bộ chứng từ. L/C chỉ đơn giản là thanh toán thì chịu thuế GTGT, L/C mang tính chất bảo lãnh thì không chịu thuế GTGT. Do vậy, việc gộp cả 2 đều phải chịu thuế là không khách quan. Do đó, cần phải tách ra hai phần, phần thanh toán thì phải chịu thuế, còn phần bảo lãnh thì không phải chịu thuế GTGT”, bà Cúc nói.
Từ phía cơ quan thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế cho biết: “Nhận thức của mỗi người, mỗi cơ quan về vấn đề L/C khác nhau. Hiện nay, chúng tôi cùng ngân hàng xác định thư tín dụng gắn với tín dụng đơn thuần thì không cần nộp thuế, còn những giao dịch liên quan đến thanh toán thì phải nộp thuế".
Theo ông Phụng, thời gian tới, các cơ quan nhà nước sẽ ngồi lại với nhau để tháo gỡ vấn đề này trên tinh thần đúng pháp luật, đúng thẩm quyền. Đồng thời, tiếp tục lắng nghe để có thêm thông tin, có quyết sách tham mưu cho Bộ Tài chính giải quyết.