Triển vọng đầu tư mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam

(BĐT) - Năm 2015 có thể xem là năm khởi đầu cho một chu kỳ mới của nền kinh tế Việt Nam, khi tốc độ tăng trưởng GDP cao 6,5 - 7% đã quay trở lại. Sau giai đoạn tăng trưởng chậm, Việt Nam đang có nhiều tín hiệu vĩ mô lạc quan.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tín dụng khả quan, nợ xấu giảm mạnh

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tín dụng năm 2015 của toàn hệ thống ngân hàng đã tăng khoảng 20% so với năm 2014. Trong bối cảnh lạm phát cơ bản thấp, mức tăng tín dụng này được đánh giá là tích cực. Vì thực tế, trong giai đoạn tăng trưởng nóng của tín dụng năm 2007 (hơn 30%), tỷ lệ lạm phát khi đó lên đến 22%, nhưng tăng trưởng tín dụng thực dương của thời kỳ nóng nhất này cũng chỉ xấp xỉ khoảng 10%. Như vậy, với mức tăng trưởng khoảng 20% hiện tại, có thể thấy tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu nóng lên.

Điểm đáng chú ý trong hoạt động của hệ thống ngân hàng năm 2015 là việc cho vay lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng đã bắt đầu giảm mạnh. Vì vậy, nhìn vào cơ cấu tài sản và nợ của hệ thống ngân hàng, có thể nhận ra tốc độ tăng tài sản toàn hệ thống đã chậm lại. Tổng tài sản toàn hệ thống chỉ tăng 3,7% tính từ đầu năm 2015.

Trong những năm trước, tốc độ tăng cung tiền ra nền kinh tế Việt Nam trung bình là 16% mỗi năm. Đây là năng lượng để tạo ra những tác động tích cực lên các hoạt động của nền kinh tế. 

Các ngân hàng, thông qua việc tăng trưởng tín dụng, đã dẫn dắt dòng vốn đi sâu vào từng khu vực kinh tế như công nghiệp khai thác, kết cấu hạ tầng xây dựng, bất động sản, chế biến... Bên cạnh đó, xu hướng lượng cung tiền luôn lớn hơn tăng trưởng tín dụng. Khoảng cách giữa 2 chỉ số này dao động chỉ từ 2 - 3%, tạo ra thanh khoản tự do. Tuy nhiên, năm 2015 chứng kiến sự đảo chiều, tức là lượng cung tiền bắt đầu nhỏ hơn so với tăng trưởng tín dụng.

Quá trình giải quyết nợ xấu cũng đã ghi nhận những bước tiến mới. Từ khi ra đời, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua lại được hơn 200.000 tỷ đồng nợ xấu từ hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh lượng nợ xấu chưa được VAMC xử lý là hơn 140.000 tỷ đồng và việc NHNN tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm 2016, thì ngoài việc gây áp lực lên lạm phát, lãi suất cho vay được dự báo sẽ khó giảm xuống. 

Thị trường chứng khoán sẽ phục hồi trong năm 2016?

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán đang hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Đối với riêng thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư kỳ vọng, dưới tác động của TPP, chứng khoán Việt Nam sẽ “cất cánh” nhờ thu hút dòng vốn đầu tư và gia tăng quy mô thị trường.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, TPP sẽ không mang lại những tác động mạnh mẽ như lúc Việt Nam gia nhập WTO. Bởi dòng vốn sẽ có xu hướng đi ra hơn là đổ vào các nước đang phát triển. Ngay dòng vốn đi vào cũng đã có sự thận trọng, rút kinh nghiệm hơn sau những “bong bóng” xảy ra thời điểm năm 2007. Vì thế, thay vì phấn khởi, mong chờ một sức nóng từ hiệu ứng TPP, nhà đầu tư cần bình tĩnh đánh giá, xem xét cơ hội tăng trưởng có thực sự xuất hiện không, và nếu xuất hiện thì sẽ xuất hiện ở những ngành nào? Nghĩa là hoạt động đầu tư chứng khoán sẽ quay về cốt lõi, nhìn vào khả năng kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhìn nhận về thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Fiachra MacCana, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) dự đoán, năm 2016 sức hấp dẫn sẽ tập trung vào các ngành tăng trưởng tốt như chế biến, xây dựng. Đặc biệt, việc chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp của nhiều công ty sẽ mở ra những điểm thú vị cho nền kinh tế nói chung và chứng khoán nói riêng trong năm tới.

Quan điểm thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều cơ sở để lạc quan nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia kinh tế khi đa số cho rằng, thị trường bất động sản đang ấm dần, tăng trưởng tín dụng trong năm 2015 khả quan, vốn FDI tăng trưởng tốt và Việt Nam đã kiểm soát lạm phát, tỷ giá ở mức hợp lý... Việt Nam cũng đã xử lý được các vấn đề như tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo hướng quyết liệt hơn. Đơn cử, doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đã nhanh chóng được đưa lên sàn niêm yết chứ không để lâu như trước. Hay việc đấu giá cổ phần của doanh nghiệp nhà nước không còn áp mức giá cụ thể mà là đấu giá cạnh tranh.

Với độ mở của khung pháp lý mà cụ thể là Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014, ông Fiachra MacCana cho rằng, chứng khoán Việt Nam đã tiếp cận được với các chuẩn mực thông lệ quốc tế trong quản trị, điều hành công ty, công bố thông tin... Những thay đổi như cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tối đa ở công ty đại chúng, định nghĩa lại khái niệm nhà đầu tư nước ngoài hay thiết kế thêm sản phẩm phái sinh cho thị trường chứng khoán đều nhằm mục đích khơi thông dòng vốn ngoại, gia tăng niềm tin cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục