Trong giai đoạn 2011 - 2020, có 36 dự án nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 31.920MW phải hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành thương mại. Ảnh: Lê Tiên |
Đan xen ưu nhược điểm
Theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2020 nhiệt điện than tại Việt Nam có công suất đạt 36.000MW (chiếm 48,8% tổng công suất các nguồn điện của hệ thống điện quốc gia), đến năm 2030 là 75.748,8MW (tương ứng tỷ lệ 51,6%).
Số liệu từ Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020 có 36 dự án nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 31.920MW phải hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành thương mại. Trong đó, chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với 10 dự án có tổng công suất 9.100MW; chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với 5 dự án có tổng công suất 6.000MW; chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) với 4 dự án có tổng công suất 870MW.
Riêng chủ đầu tư dự án điện độc lập (IPP), dự án đầu tư theo phương thức xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO), với 6 dự án điện than có tổng công suất 2.950MW. Còn chủ đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) với 9 dự án có tổng công suất 11.700MW.
Trong khuôn khổ Hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại TP.HCM, GS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, cho rằng, giá thành sản xuất điện than (7 UScent/kWh) chỉ thấp hơn thuỷ điện, nên khi đã khai thác hết nguồn thuỷ năng, các nước đều chuyển sang phát triển nhiệt điện than và Việt Nam cũng tương tự như vậy.
Một ưu điểm khác để phát triển các dự án điện than, theo ông Nghĩa, đó là vốn đầu tư không quá cao (thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân). Nó cũng có khả năng huy động công suất lớn (Tmax = 6.500 giờ, có thể tới > 7.500 giờ/năm khi thiếu hụt) nên sản lượng điện phát ra lớn. Hơn nữa, điện than cũng không quá lệ thuộc vào địa điểm như thủy điện, thời gian xây dựng không quá lâu (dưới 3 năm kể từ ngày khởi công).
Tuy nhiên, GS.TS Trương Duy Nghĩa cũng thừa nhận, nhiệt điện có không ít nhược điểm như chi dùng khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện (chiếm khoảng 60% giá thành sản xuất điện). Mặt khác, nó là nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường, đặc biệt là các chất thải rắn và khí, chi phí về đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém. Ngoài ra, các dự án điện than cũng chiếm nhiều diện tích lớn làm địa điểm xây dựng nhà máy, làm bãi chứa tro xỉ. Chưa kể, do nhu cầu nước làm mát lớn (khoảng 80m3/s cho một nhà máy điện than 1.200MW) nên cần phải đặt gần sông có lưu lượng lớn, hoặc ven biển.
Phải đảm bảo môi trường
Ông Phương Hoàng Kim, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết, thời gian tới, Tổng cục năng lượng sẽ cân nhấc, xem xét, lựa chọn các công nghệ nhiệt điện than tối ưu nhất nhằm đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn về môi trường như không khí, chất thải rắn, nước thải. Công nghệ đạt tiêu chuẩn môi trường thường đi đôi với nguồn vốn đầu tư, nên phải xem xét những khoản đầu tư rót vốn các dự án điện than trong điều kiện hoàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam.
Đối với các dự án điện than được đầu tư theo hình thức BOT, ông Kim cho rằng, trên thực tế các dự án này đa phần được đánh giá tốt và yên tâm hơn về việc tuân thủ quy định về môi trường, bởi các chủ đầu tư không muốn bị phạt như trong thoả thuận đầu tư. Đơn cử trong quá trình khảo sát Dự án Nhà máy Điện than Mông Dương (theo hình thức BOT) có thể thấy điều kiện thực thi môi trường khá nghiêm ngặt, tuân thủ 100% các yêu cầu đặt ra của Chính phủ.
Cũng theo ông Phương Hoàng Kim, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 đang và sẽ có những dự án điện than được xây dựng như ở miền Trung có cụm dự án nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận (như Vĩnh Tân 1, 4, và đang triển khai dự án Vĩnh Tân 3 theo hình thức BOT), ở Đồng bằng sông Cửu Long thì có các dự án nhiệt điện Sông Hậu 1, 2; Long Phú 1, 2, 3. Các dự án này cơ bản sẽ đưa vào vận hành vào năm 2020 với công nghệ tiên tiến như hệ thống lọc bụi, khử lưu huỳnh, ni tơ, xử lý nước... nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.