Doanh nghiệp Việt buộc phải đổi mới công nghệ để tăng sức cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên |
Đa số doanh nghiệp nhỏ sử dụng công nghệ lạc hậu
Một thống kê gần đây cho thấy, cả nước hiện chỉ có khoảng 250 DN khoa học - công nghệ (bằng 0,06% tổng số DN). Chi phí đầu tư đổi mới khoa học - công nghệ của DN bình quân chiếm khoảng 0,3% doanh thu (ở Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%). Ngoài ra, theo số liệu thống kê chưa chính thức tại Việt Nam, trong 5 năm 2011 - 2015, có 11.738 công trình khoa học được công bố quốc tế, song có chưa tới 20% tổng số DN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến, trong đó chủ yếu là các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhiều ngành công nghiệp của thế giới đang chứng kiến sự du nhập của các công nghệ mới. Các nền tảng kỹ thuật số toàn cầu đã giúp DN cải thiện chất lượng, tăng sức cạnh tranh về giá của nhiều sản phẩm. Trong khi đó, Việt Nam lạc hậu đến 2 - 3 thế hệ công nghệ so với thế giới. Với thực trạng này, sản xuất ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh là một câu hỏi lớn với DN Việt. Đặc biệt là khi các hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, hàng Việt liệu có đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa của các nước trong khu vực và thế giới?
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập, nhiều DN Việt đã cảm nhận được áp lực cạnh tranh đến các nhà cung ứng sản phẩm toàn cầu. Hơn ai hết, chính những DN này đã ý thức rõ ràng về yêu cầu phải thay đổi mô hình đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, đổi mới công nghệ đối với DNNVV không phải là chuyện dễ dàng. Vấn đề lớn nhất ở đây là DN nhỏ không có tiền để mua công nghệ mới, còn việc tiếp cận vốn tín dụng cũng rất gian nan.
Dễ vay vốn nếu đầu tư đổi mới công nghệ
DNNVV cũng cần được hỗ trợ về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; về tất cả các kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động của Nhà nước (trừ những chương trình, dự án bí mật quốc gia); thông tin chỉ dẫn kinh doanh. Ngoài ra, ông Nam cho rằng, DNNVV cũng cần những hỗ trợ về tín dụng, thị trường trong nước và xuất khẩu, sản phẩm, công nghệ...
Trong buổi làm việc với một số DNNVV về việc tiếp cận vốn vay từ Quỹ Phát triển DNNVV mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng đánh giá rất cao tầm quan trọng của đổi mới khoa học công nghệ trong sản xuất đối với DNNVV. Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, khi tiếp cận vốn vay từ quỹ này, ngoài những tiêu chí cụ thể theo quy định, DNNVV có phương án đầu tư sản xuất hướng tới tiêu chí đổi mới khoa học công nghệ, kiểm soát tốt việc xả thải ra môi trường sẽ được ưu tiên.
Cũng theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, một trong những tiêu chí quan trọng giúp các DNNVV được “điểm cộng” khi tiến hành vay vốn phát triển sản xuất đó là tính đổi mới trang thiết bị kỹ thuật làm tăng năng suất lao động, chế tạo, sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao.