Trông đợi gói kích thích phi tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế. Môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, chi phí thấp và an toàn là động lực để doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển, nhất là trong bối cảnh DN cần thêm “trợ lực” phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, hiệu quả của các giải pháp cải cách môi trường kinh doanh chưa tương xứng với sự trông đợi của doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang
Trong 3 tháng đầu năm 2022, hiệu quả của các giải pháp cải cách môi trường kinh doanh chưa tương xứng với sự trông đợi của doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang

Tuy nhiên, nhìn lại việc triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP trong 3 tháng đầu năm cho thấy, hiệu quả của gói giải pháp hỗ trợ “phi tài chính” chưa tương xứng với sự trông đợi của DN.

Còn nhiều chông gai, rào cản đối với doanh nghiệp

Các chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ luôn là nội dung được nhà đầu tư và cộng đồng DN quan tâm, theo dõi và chờ đợi. Đặc biệt, trong bối cảnh DN gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, cải thiện môi trường kinh doanh được cộng đồng DN kỳ vọng là gói giải pháp hỗ trợ phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững. Đây cũng được xem là trợ lực hữu hiệu cho DN phục hồi và phát triển, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Nối tiếp nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, ngày 10/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết đặt mục tiêu: “Tăng nhanh về số lượng DN mới thành lập; giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho DN và người dân. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh”. Điều này thể hiện rõ thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với DN.

Theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, trước ngày 20/1/2022, các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ. Song, đến hết tháng 3 (tức là muộn hơn 2 tháng so với yêu cầu), Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa nhận được thông tin về kế hoạch triển khai Nghị quyết của 1/25 bộ, cơ quan và 8/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhiều kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương ban hành chậm hơn so với yêu cầu. Nội dung của các chương trình/kế hoạch hành động về cơ bản không có sự khác biệt so với các chương trình/kế hoạch đã ban hành những năm trước đây; chưa thể hiện được rõ nét nhiệm vụ, giải pháp theo mục tiêu và các nội dung trọng tâm cải cách mới của Nghị quyết. Có thể nói, mức độ quan tâm của các bộ, ngành, địa phương chưa tương xứng với tầm quan trọng và sự cần thiết của cải cách như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.

Mặt khác, do tác động của đại dịch Covid-19 và do thiếu sự theo dõi, giám sát liên tục của các bên nên mức độ quan tâm đến cải cách môi trường kinh doanh của các bộ, ngành, địa phương có sự suy giảm đáng kể. Thậm chí, một số rào cản kinh doanh đã bị bãi bỏ đang có xu hướng khôi phục lại; một số điều kiện kinh doanh mới được bổ sung. Hiện tượng này có thể làm xói mòn các kết quả cải cách đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trên lĩnh vực cải cách điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Qua 3 tháng đầu năm 2022, dường như các bộ, ngành, địa phương chưa thể hiện được những nỗ lực và hành động cải cách vì một môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, nhất là ở cấp bộ, ngành. Ngay từ đầu năm, DN đã liên tiếp nhận được những thay đổi và dự kiến thay đổi chính sách theo hướng bất lợi và khó khăn hơn.

Đơn cử, ngày 9/3/2022, Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo số 313/BC-BYT đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Điều đáng nói, tại Báo cáo, Bộ Y tế đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP với việc nêu ra 8 tồn tại, hạn chế nhưng lại là những cải cách đã rất thành công trong thời gian qua khiến cộng đồng DN lo ngại về việc khôi phục lại các rào cản đã được dỡ bỏ trước đây.

Hay trong bối cảnh DN mới bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và đang chịu áp lực lớn bởi chi phí vận tải, xăng dầu và giá nguyên liệu tăng như hiện nay, nhưng một số địa phương lại đưa ra các quy định làm gia tăng gánh nặng chi phí cho DN, dẫn tới áp lực chồng chất áp lực. Chẳng hạn như: TP.HCM quy định thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn Thành phố, bắt đầu áp dụng từ ngày 1/4/2022.

Ngoài ra, vẫn còn có những khó khăn được DN phản ánh nhiều lần, nhưng chậm hoặc không được tháo gỡ.

Chung sức và đồng hành thực hiện cải cách

Trước thực trạng trên, hơn bao giờ hết, nhà đầu tư và DN trông đợi sự đột phá và tăng tốc từ gói kích thích “phi tài chính” mang tên cải cách môi trường kinh doanh. Đồng thời, cộng đồng DN cũng kỳ vọng sự vào cuộc đồng đều của các bộ, ngành, địa phương nhằm giúp DN có thêm động lực và niềm tin trong hành trình khôi phục và phát triển sau dịch bệnh.

Vì thế, để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, các bộ, ngành, địa phương cần coi DN là trung tâm và thực hiện cải cách thể chế vì sự phát triển và khuyến khích sự sáng tạo của DN, trong đó, chú trọng thực hiện ngay một số giải pháp.

Trước hết, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ được giao trong các Nghị quyết có liên quan của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tiếp đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch thực hiện các Nghị quyết. Có cơ chế tạo động lực khuyến khích nỗ lực và sáng kiến cải cách hiệu quả, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN. Thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và DN để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Triển khai thực chất các thủ tục điện tử, đảm bảo giao diện, thủ tục thân thiện và thuận lợi cho DN.

Bên cạnh đó, các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng DN cần tích cực tham gia phản biện, đóng góp chính sách; chia sẻ và phản ánh các vấn đề, vướng mắc, khó khăn; đề xuất, kiến nghị liên quan đến chính sách và thực thi chính sách. Các hiệp hội DN không phân biệt trong nước, ngoài nước cần phối hợp, hợp tác hiệp lực; trao đổi, chia sẻ các mối quan tâm của nhau, ủng hộ lẫn nhau trong đề xuất các sáng kiến, kiến nghị cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh.

Hiệu quả trong cải cách môi trường kinh doanh chỉ đạt được khi các bộ, ngành, địa phương quan tâm và cầu thị. Việc khôi phục và tạo thêm rào cản kinh doanh sẽ tạo hệ lụy xấu cho môi trường kinh doanh. Bởi thế, cần duy trì sự phối hợp, chung sức và đồng hành của nhiều bên trong nỗ lực cải cách này.

Tin cùng chuyên mục