Trung Quốc muốn gì khi tập trận chung với Nga ở Biên Đông

(BĐT) - Cuộc tập trận chung sắp diễn ra vào tháng tới giữa Trung Quốc và Nga sẽ là phép thử để xác định mối quan hệ hai nước đang gần gũi ở mức độ nào.
Tàu chiến Trung Quốc và Nga trong cuộc tập trận chung tại Biển Hoa Đông hồi tháng 5/2014. Ảnh:AP
Tàu chiến Trung Quốc và Nga trong cuộc tập trận chung tại Biển Hoa Đông hồi tháng 5/2014. Ảnh:AP

Nga và Trung Quốc đã thống nhất thời điểm tổ chức một cuộc tập trận chung tại Biển Đông từ ngày 12 đến 19/9. Hải quân hai nước dự kiến diễn tập các nội dung như tổ chức bảo vệ tàu, thuyền cũng như đổ bộ lên đảo, theo Tass.

Cuộc tập trận thu hút chú ý bởi nó diễn ra sau khi Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan, ra phán quyết với "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông, khẳng định Bắc Kinh không có quyền lịch sử ở Biển Đông, đồng thời chỉ trích hành động phá hoại của Trung Quốc đối với môi trường tại đây. Trung Quốc một mực bác bỏ, tuyên bố không tuân thủ phán quyết.

Cuộc tập trận "chỉ là một trong chuỗi các biện pháp phản ứng trước phán quyết từ tòa trọng tài nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc, qua đấy chống đỡ lại sức ép từ công chúng cũng như giới quân đội", New York Times dẫn lời bà Bonnie Glaser, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), bình luận.

Trước công chúng, giới chức Nga nêu lập trường ủng hộ những giải pháp đàm phán cho tranh chấp ở Biển Đông nhưng họ chưa bao giờ công khai thể hiện thái độ đồng tình việc Trung Quốc tuyên bố bác bỏ phán quyết từ Tòa Trọng tài về vụ kiện "đường lưỡi bò".

Đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh phô diễn quan hệ đối tác của mình với Moscow bằng một cuộc tập trận quân sự chung trên biển. Nga cùng Trung Quốc năm ngoái tập trận trên biển Nhật Bản và vào năm 2014, hải quân hai nước cũng triển khai diễn tập trên biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Tokyo. Cuộc tập trận lúc bấy giờ không diễn ra trong vùng biển quanh quần đảo tranh chấp.

Moscow và Bắc Kinh gần đây có xu hướng xích lại gần nhau hơn trong bối cảnh Nga hiện bị phương Tây giáng hàng loạt trừng phạt vì những cáo buộc liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine còn Trung Quốc thì liên tục hứng chỉ trích từ các nước trong khu vực bởi những động thái gây hấn trên biển. 

Hồi tháng 6, ông Tập và ông Putin ra một tuyên bố chung về "củng cố sự ổn định chiến lược toàn cầu", nhấn mạnh vào tầm nhìn chung giữa hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực.

"Trung Quốc và Nga nên hỗ trợ lẫn nhau trước các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi", ông Tập khi ấy nói.

"Việc tái khẳng định liên kết quân sự Nga - Trung trong bối cảnh Biển Đông như hiện nay chính là cách để giới tinh hoa chính trị ở Bắc Kinh và Moscow thúc đẩy, thắt chặt trở lại mối quan hệ song phương", Andrew O'Neil, giáo sư từ Đại học Griffith, Australia, nhận xét.

Theo ông, mối quan hệ Nga - Trung đang dần khởi sắc. Hai nước thời gian qua liên tục đẩy mạnh giao lưu kinh tế, tăng cường đầu tư vào các dự án khai khoáng chung hay xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô. Song về mặt chiến lược, các cuộc tập trận chung kiểu như hoạt động quân sự sắp tới của Trung Quốc và Nga ở Biển Đông "không nên được nhìn nhận như biểu hiện gắn kết giữa những đồng minh thân cận dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và cùng chia sẻ kinh nghiệm". Thay vào đó, chỉ nên coi nó như một hoạt động mang ý nghĩa biểu tượng chính trị, ông O'Neil nhấn mạnh.

Mặt khac, O’Neil cũng cho rằng thế giới cần "thận trọng khi phóng đại về sức mạnh của mối quan hệ Nga - Trung bởi hai nước vẫn tồn tại những ngờ vực. Trong mắt nhiều người Nga, Trung Quốc không khác gì một đối thủ tiềm tàng".

"Đôi bên từng xảy ra xung đột trong cuộc chiến tranh biên giới hồi năm 1969 và quan hệ song phương vẫn vô cùng phức tạp suốt những năm qua. Tôi sẽ rất bất ngờ nếu Bắc Kinh và Moscow có thể xây dựng được một liên minh nhằm chia sẻ thông tin tình báo cấp cao với khả năng tương tác quân sự chủ động và quan trọng hơn cả là tin tưởng lẫn nhau để cùng thiết lập mối quan hệ chiến lược có chiều sâu", O'Neil nói.

Vị trí tập trận - 'ngòi nổ hay đá lạnh'

Hải quân Trung Quốc chuẩn bị lên đường tham gia RIMPAC 2014. Ảnh:Chinanews

Bên cạnh đó, theo Malcolm Cook, chuyên gia cấp cao tại Viện Yusof Ishak ở Singapore, cuộc tập trận Nga - Trung vào tháng tới là "ngòi nổ hay đá lạnh" còn phụ thuộc vào hành động từ Moscow và Bắc Kinh.

"Nếu nó được triển khai tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Philippines, Việt Nam, Indonesia và Malaysia hoặc sử dụng những phương tiện quân sự Trung Quốc đặt ở Trường Sa hay Hoàng Sa thì đây rõ ràng là dấu hiệu cho thấy Nga ủng hộ những động thái tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông", Cook đánh giá. "Nhưng nếu cuộc tập trận diễn ra quanh đảo Hải Nam hay căn cứ hải quân Trạm Giang thì chẳng có gì đáng nói", ông cho biết thêm.

Đồng quan điểm, M. Taylor Fravel, giáo sư chuyên nghiên cứu về lực lượng vũ trang Trung Quốc và các tranh chấp trên biển thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, nhận định việc Nga tham gia có ý nghĩa như thế nào đối với lập trường của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông còn phụ thuộc vào nơi diễn ra tập trận.

"Hai nước có thể tập trận trên vùng biển gần tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, hoặc Hải Nam... Đây đều là những địa điểm ít tranh cãi", Fravel cho hay. "Nhưng họ cũng có khả năng tiến hành tập trận gần quần đảo Trường Sa và điều này chắc chắn sẽ khiến các nước láng giềng phải đề cao cảnh giác".

Trong khi đó, Đô đốc Scott Swift, tư lệnh hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương, lại cho rằng Nga và Trung Quốc nên tập trận ở nơi khác chứ không phải một địa điểm với nhiều căng thẳng, nhạy cảm như Biển Đông. Theo ông, việc chọn Biển Đông là nơi tổ chức tập trận chung Nga - Trung không hề có lợi cho nỗ lực "tăng cường ổn định khu vực".

Tin cùng chuyên mục