Vị trí đặt Trạm thu phí BOT Cai Lậy vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân. Ảnh: Lê Phong |
Không khó tham vấn người dân
Người dân – những người đóng phí BOT, có thể coi là bên thứ ba ẩn danh trong hợp đồng BOT. Không ký vào hợp đồng, nhưng người dân là đối tượng chịu tác động chính của dự án BOT, cũng là người trả phí - nguồn hoàn vốn cho nhà đầu tư. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đứng ra ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư, chính là đại diện người dân, đứng trên quyền lợi của người dân, để đàm phán, ký kết với nhà đầu tư trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên.
Thế nhưng, nói về việc chưa lấy ý kiến người dân ở khu vực đặt Trạm BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, nhà đầu tư hay Bộ GTVT cũng không thể đi phát tờ rơi tới từng người dân để xin ý kiến. Một nhà đầu tư BOT lớn cũng từng kêu không thể tham vấn người dân được, mỗi người một ý, làm sao mà triển khai được dự án.
Với cách lập luận này, xem chừng việc tham vấn ý kiến người dân đối với các dự án BOT thật không hề đơn giản. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư không làm được nên đành chịu. Báo cáo của Bộ GTVT gửi Đoàn giám sát của Quốc hội cũng khẳng định, hiện trong quá trình thực hiện, trình tự, thủ tục liên quan đến việc xác định vị trí trạm thu phí, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định pháp luật.
Sự đúng quy định này thật khó hiểu khi nhiều trạm thu phí như Trạm thu phí Cai Lậy chỉ đến khi chính thức thu phí, người dân mới vỡ lẽ và mới có cơ hội phản đối. Thực tế từ việc thực hiện dự án BOT giai đoạn trước mà Chính phủ đã có tổng hợp cho thấy, quá trình địa phương tham gia ý kiến về vị trí đặt trạm thu phí chủ yếu giao cho các cơ quan chuyên môn chủ trì thỏa thuận; chưa tham vấn, lấy ý kiến các tổ chức xã hội nghề nghiệp, hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội và các đối tượng sử dụng đường (các hiệp hội vận tải).
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, hầu hết các dự án BOT thời gian qua không lấy ý kiến người dân, có lấy ý kiến chỉ theo kiểu hình thức. Ông Thanh cho biết, chính Hiệp hội trước đây cũng chưa bao giờ được lấy ý kiến. Gần đây, Hiệp hội mới được xin ý kiến 2 dự án sắp triển khai (1 dự án ở Đà Nẵng, 1 dự án ở Long An).
Một hiệp hội vận tải lớn không được lấy ý kiến, thì chuyện người dân chưa được tham vấn có lẽ cũng là điều dễ hiểu. Cách tham vấn có khó như lãnh đạo Bộ GTVT và nhà đầu tư nghĩ không? Ông Thanh cho rằng, quan trọng là có muốn công khai, minh bạch, lấy ý kiến hay không. Còn tham vấn có thể thông qua các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, qua các tổ dân cư và có thể thuê tư vấn độc lập đánh giá.
Đừng coi thường người dân
Nói về việc người dân phản đối trạm thu phí BOT, trong báo cáo của Bộ GTVT có nêu, một trong những nguyên nhân chính được nêu ra cho việc phản đối trạm thu phí BOT là vì tâm lý không đồng thuận của người sử dụng do việc thay đổi từ miễn phí sang đóng phí sử dụng đường bộ.
Tuy nhiên, thực tế, phần lớn dự án BOT gây bức xúc hiện nay là do vị trí đặt trạm không hợp lý. Người dân không sử dụng đường BOT nhưng vẫn phải đóng phí, có thể coi là bị mất tiền oan và không công bằng. Đa số các trạm BOT khác, các chủ phương tiện lưu thông qua đường BOT vẫn đóng phí khi được sử dụng dịch vụ tốt hơn với mức phí hợp lý.
Một đại diện của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội nêu quan điểm, cơ quan quản lý xin đừng coi thường dân. Người dân sẵn sàng trả phí nếu được hưởng dịch vụ tốt, trên tinh thần tự nguyện, với mức phí phù hợp. Người dân không bao giờ đòi hỏi sử dụng miễn phí đường BOT, mà chỉ phản đối khi không sử dụng mà vẫn phải đóng phí.
Người dân cần sự công bằng và quyền được lựa chọn, quyền được có ý kiến về những dịch vụ mà mình sẽ phải trả phí.