Tự hào thương hiệu Việt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gần 1.000 chiếc ô tô điện Vinfast đã cập cảng Benicia, California (Hoa Kỳ), hàng trăm tấn gạo Việt Nam đã hiện diện trong bữa ăn của người dân tại nhiều nước trên thế giới, gạch nghệ thuật thương hiệu Việt được ưu tiên lựa chọn tại nhiều công trình đẳng cấp tại 60 quốc gia… Đó là một vài trong số hàng ngàn thương hiệu Việt đang hiện diện và tỏa sáng khắp toàn cầu.
VinFast là hãng ô tô Việt Nam đầu tiên xuất khẩu xe điện sang Mỹ
VinFast là hãng ô tô Việt Nam đầu tiên xuất khẩu xe điện sang Mỹ

Ngày 20/12/2022, con tàu gắn logo VinFast chở 999 xe VF8 đã cập cảng Benicia (California, Mỹ) và tiến hành dỡ xe ra khu vực bãi đỗ, sau 25 ngày xuất phát từ cảng Hải Phòng, Việt Nam.

Trước đó, tại lễ xuất khẩu lô xe điện VinFast đầu tiên sang Mỹ sáng 25/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sản xuất ô tô là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, đi đầu, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, năng lực khoa học công nghệ, đồng thời có tính biểu tượng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mức độ phát triển của nền kinh tế.

“Phát triển ngành công nghiệp ô tô là mong muốn của hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta. Những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương chính sách khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô, chính vì vậy chúng ta càng vui mừng xúc động hơn khi thấy chiếc ô tô sản xuất mang thương hiệu Việt, sản xuất tại Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang thị trường thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nói về dấu mốc này, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup nhấn mạnh: “Đây là sự kiện trọng đại không chỉ với Công ty VinFast, Tập đoàn Vingroup, mà còn là dấu mốc lịch sử của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, khẳng định Việt Nam đã làm chủ và sản xuất thành công những sản phẩm công nghệ cao, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cùng với những chiếc xe điện thông minh VinFast lăn bánh trên các nẻo đường thế giới, hình ảnh về một Việt Nam mới, năng động và phát triển cũng sẽ được quảng bá rộng rãi hơn trong mắt bạn bè quốc tế”.

Trong lĩnh vực nông sản, ngày 2/9/2022, món cơm chiên sử dụng nguyên liệu là gạo ST25 đến từ Việt Nam đã trở thành "bữa trưa đặc biệt" tại Văn phòng Nội các Nhật Bản.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, để đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe cùng với yêu cầu rất cao của người tiêu dùng Nhật Bản. Vì vậy, đây là một thành công rất lớn của nhà sản xuất cũng như các nhà thương mại khi đưa được gạo ST25 vào thị trường khó tính bậc nhất này. Tờ giới thiệu đặt tại Văn phòng Nội các Nhật Bản thông tin, gạo thơm ST 25 là loại gạo thơm ngon nổi tiếng đến từ Việt Nam. Sau hơn 1 năm đàm phán và kiểm định chất lượng, Công ty TNHH Spice House đã thành công trong việc đưa gạo ST25 tới người tiêu dùng tại Nhật Bản. Từ việc gieo trồng, theo dõi chất lượng, thu hoạch, đóng gói và bảo quản, các quy trình đều được kiểm soát chặt chẽ để có thể đảm bảo được chất lượng hạt gạo thơm, chắc, hạt cơm có vị ngọt tự nhiên.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Nhật Bản chỉ đạt 48,7 triệu Yên và chỉ chiếm khoảng 0,09% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Nhật Bản. Việc xuất khẩu gạo ST25 sang xứ sở hoa Anh Đào là một minh chứng cho thấy, Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo nhiều mà còn xuất khẩu gạo ngon, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của nước Nhật.

Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, kể từ lần đầu tiên hiện diện tại Nhật Bản năm 1989, đến nay, gạch nghệ thuật “Made by Secoin in Vietnam” được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia dùng cho các công trình nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp…

Bà Đinh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng Secoin chia sẻ, sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, Secoin đã phát triển thương hiệu với hình ảnh sản phẩm thuần Việt. Liên tục trong nhiều năm qua, sản phẩm của Công ty như: gạch bông, gạch Terrazzo… được công nhận là sản phẩm thương hiệu quốc gia, phát triển bền vững, được người tiêu dùng trong nước và thế giới tin dùng.

Theo bà Giang, khẩu hiệu của Secoin là “Luôn luôn tạo ra sự mới lạ” nên tất cả các sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ được tăng cường chất lượng mà còn có sự độc đáo riêng về mẫu mã làm hài lòng người tiêu dùng.

Bà Giang cho biết, sử dụng vật liệu xanh đáp ứng yêu cầu mới về phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược. Theo đó, Secoin sẽ không chỉ nỗ lực đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhập khẩu, mà còn không ngừng tìm tòi, đổi mới sáng tạo để sản xuất ra những sản phẩm vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, có giá trị cao để củng cố và mở rộng thị trường.

Về chặng đường chinh phục thế giới của nhiều thương hiệu Việt Nam, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận xét: “Có thể thấy, thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế ngay tại thị trường trong nước và vươn ra thế giới, góp phần quan trọng định vị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên toàn cầu. Nhờ đó, Việt Nam hiện được thế giới biết đến là một trong những quốc gia đang phát triển có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, là “thỏi nam châm” hút đầu tư vào đổi mới sáng tạo…”.

Dù vậy, trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, ông Võ Trí Thành khuyến nghị, các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa giống như xây dựng nhà từ móng, gắn vào sự sáng tạo và công nghệ, không ngừng củng cố, nâng cao uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua hệ thống sản xuất, quản trị kinh doanh tiên tiến và hoạt động tài chính công khai, minh bạch, lành mạnh.

Đánh giá về vị thế thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế, tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới. Cùng với sự phát triển của Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Đó là niềm tự hào của đất nước chúng ta!

Tạo ra được thương hiệu rất khó, duy trì được thương hiệu lại càng khó hơn. Để làm được điều đó chúng ta cần xây dựng được niềm tin của xã hội, của nhân dân, của cộng đồng quốc tế với thương hiệu Việt. “Niềm tin đó được hội tụ bởi nhiều nhân tố như chất lượng, giá trị sản phẩm, đạo đức kinh doanh chuẩn mực, hình ảnh người đứng đầu doanh nghiệp tốt, sự đóng góp, tính nhân văn của doanh nghiệp với cộng đồng xã hội, với đất nước và với các đối tác, bạn bè quốc tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục