Từ vụ BOT Cai Lậy: Làm sao để tránh “lây lan”?

(BĐT) - Ngày 16/8, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật và lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang họp bàn xử lý bất cập tại trạm thu phí thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1, đoạn tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang).
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo nguồn tin của Báo Đấu Thầu, phương án dự kiến được đưa ra đó là sẽ giảm giá dịch vụ cho tất cả phương tiện qua trạm. Cụ thể, xe loại một dưới 12 ghế ngồi; xe tải dưới hai tấn được giảm phí từ 35.000 xuống 25.000 đồng mỗi lượt. Xe loại hai từ 12 đến 30 ghế; xe tải từ hai đến dưới bốn tấn giảm từ 50.000 xuống 35.000 đồng mỗi lượt.

Xe loại ba từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 đến dưới 10 tấn giảm phí từ 60.000 xuống 40.000 đồng một lượt. Xe loại bốn gồm xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 fit giảm phí từ 100.000 xuống 70.000 đồng mỗi lượt. Xe loại năm gồm xe tải từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fit giảm phí từ 180.000 xuống 140.000 đồng mỗi lượt. Dự kiến thời gian áp dụng các mức giảm trên từ ngày 21/8.

Ngoài ra, Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư dự án cũng thống nhất giảm tối đa (100%) giá dịch vụ cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của chủ sở hữu có hộ hộ khẩu thường trú (không kinh doanh vận tải) tại 4 xã: Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy; giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã trên và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang. Thời gian áp dụng trước ngày 10/9.

Một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, các bên sẽ thống nhất phương án, sau đó sẽ có văn bản thông báo chi tiết tới báo chí, người dân.

Trao đổi với Báo Đấu Thầu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc Bộ GTVT quyết định giảm phí xuống mức “dễ chịu” hơn là cần thiết trong tình hình hiện nay. Khi người dân phải chi trả mức phí quá “sức chịu đựng” thì sẽ dễ dẫn đến phản ứng, câu chuyện này đã từng xảy ra ở BOT Việt Trì ở Phú Thọ, BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh), BOT Bến Thuỷ ở Nghệ An…

Theo ông Phong, việc xử lý sớm, dứt điểm các vụ việc này là cần thiết. Như phát biểu tại cuộc họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đã cho rằng nếu vụ Cai Lậy không được xử lý sớm “sẽ lây lan nơi khác”…

Để tránh những vụ việc đáng tiếc của BOT như thời gian qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, khi thực hiện các dự án BOT, BT hay bất cứ một loại PPP nào cũng nên tiến hành đấu thấu công khai, không chỉ định thầu.

“Ngoài ra các quy trình đầu tư cần nghiêm ngặt, trước khi thu phí phải có cơ quan kiểm toán vào cuộc để đảm bảo tính đúng, tính đủ, tránh việc qua kiểm toán lại tiến hành giảm mức phí, giảm thời gian mức phí như thời gian vừa qua… Nếu quy trình lỏng lẻo, không minh bạch thì người dân hoàn toàn có cơ sở nghi ngờ về lợi ích nhóm”, ông Phong nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright lại cho rằng, để xử lý trường hợp BOT Cai Lậy thì không được thu phí đối với xe đi QL1 hiện hữu qua Thị xã Cai Lậy. Chỉ thu phí đối với xe đi đường tránh đã được đầu tư mới theo hình thức BOT.

Thứ hai, dùng tiền ngân sách trong Quỹ Bảo trì đường bộ để hoàn lại cho chủ đầu tư Dự án BOT chi phí đầu tư tăng cường mặt đường QL1 hiện hữu (26,5 km). Giá trị hoàn trả là giá trị nhỏ nhất trong 2 giá trị: tổng mức đầu tư 300 tỷ VNĐ đã được phê duyệt; tổng chi phí đầu tư thực tế sau khi có kết quả của Kiểm toán Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần thanh tra để xác định trách nhiệm của các bên (Bộ GTVT, UBND Tiền Giang, chủ đầu tư) trong các quyết định liên quan đến chuẩn bị dự án BOT, chọn nhà đầu tư không qua đầu thầu, bổ sung thêm hợp phần “tăng cường mặt đường", cơ sở tính mức phí và thời hạn thu phí BOT.