![]() |
TP.HCM sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế, nơi hội tụ dòng vốn lớn, là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao... Ảnh: Đông Giang |
Thể chế mở đường cho khát vọng lớn
Năm nay, vào những ngày tháng Tư lịch sử, hơn chục triệu người dân TP.HCM cùng cả nước trào dâng niềm vui, lòng tự hào kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày Giải phóng, thành phố mang tên Bác liên tục phát triển, đạt nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, không chỉ phát triển vượt bậc về kinh tế mà còn chuyển mình ngoạn mục về hạ tầng đô thị. Nhiều thập kỷ qua, TP.HCM luôn là “đầu tàu kinh tế” của cả nước, đóng góp gần 23% GDP, 30% thu ngân sách, hơn 50% FDI, là một trong những trung tâm đô thị năng động bậc nhất Đông Nam Á.
Một số năm qua, những thách thức về quản lý đô thị, môi trường và “tắc nghẽn thể chế” khiến TP.HCM có phần phát triển chậm lại, chưa tương xứng với tiềm năng. Xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn, Nghị quyết 98/2023/QH15 được Quốc hội thông qua, mang đến cho TP.HCM một “bộ công cụ thể chế đặc biệt”. Đây không chỉ là sửa đổi luật hay nới cơ chế, mà là một bước ngoặt về tư duy quản trị đô thị.
Nghị quyết 98 đã kiến tạo nhiều điểm đột phá. Đó là phân quyền sâu sắc trong quy hoạch, đầu tư công, quản lý tài sản công, bộ máy hành chính. Thành lập Quỹ phát triển hạ tầng, chủ động huy động nguồn lực xã hội hóa, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Thí điểm thuế tài sản, phí chống ùn tắc lần đầu tiên trong cả nước. Áp dụng mô hình PPP linh hoạt cho các lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế thúc đẩy liên kết công tư thực chất. Cùng với đó, Nghị quyết 31-NQ/TW (phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) đã xác lập vai trò và tầm nhìn dài hạn cho TP.HCM. Tương lai của thành phố mang tên Bác không chỉ là đầu tàu phát triển, mà còn được định hình là trung tâm tài chính - dịch vụ - khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, “vượt tầm quốc gia” và hội nhập với chuỗi đô thị toàn cầu.
Bước chuyển động mạnh mẽ hạ tầng
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho hạ tầng chiến lược của TP.HCM, tạo nên bước chuyển mình ngoạn mục về hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông… Thành phố mang tên Bác đã từng bước “lột xác” từ một đô thị cũ kỹ đến siêu đô thị năng động trong kỷ nguyên mới.
Từ đầu năm 2025 đến nay, người dân nơi đây chứng kiến các hoạt động khánh thành, khởi công loạt công trình chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, có các công trình đặc biệt quan trọng như Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (công suất phục vụ 20 triệu khách/năm), đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, thông xe một hầm chui nối từ đường dẫn cao tốc Long Thành - Dầu Giây qua đại lộ Mai Chí Thọ (một hạng mục chính thuộc dự án nút giao An Phú, lớn nhất TP.HCM), khởi công Vành đai 2 TP.HCM (đoạn qua TP. Thủ Đức), khởi động cao tốc TP.HCM - Mộc Bài…
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, bức tranh hạ tầng TP.HCM có nhiều thay đổi trong thời gian qua và sẽ bứt phá mạnh mẽ trong vài năm tới. “Nghị quyết 98 tạo cơ chế và nguồn lực mới trong đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông”, ông Phúc nói và cho biết thêm, “cơ chế đặc thù” là nền tảng giúp TP.HCM triển khai nhiều công trình hạ tầng chiến lược như: Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, cảng biển quốc tế Cần Giờ, các tuyến đường sắt đô thị…
Theo ông Nguyễn Văn Quang, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và đô thị luôn là yếu tố nền tảng để các thành phố bứt phá. Với TP.HCM, chưa bao giờ làn sóng đầu tư hạ tầng lại dồn dập và mang tính chiến lược như hiện nay. Trong thời gian ngắn gần đây, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được khánh thành hoặc khởi công giúp kết nối mạnh mẽ, đa phương thức giữa “đầu tàu kinh tế TP.HCM” với các không gian kinh tế vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên cũng như các nước trong khu vực.
Không chỉ hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông mà hạ tầng số, đô thị thông minh đang tăng tốc phát triển song hành. TP.HCM đang xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, dân cư, giấy phép xây dựng, đồng thời phát triển ứng dụng phản ánh đô thị trực tuyến, tăng cường minh bạch và tương tác giữa người dân và chính quyền. Hệ thống AI và dữ liệu lớn (Big Data) trong điều hành thoát nước và chống ngập được triển khai tại các điểm nghẽn như Nguyễn Hữu Cảnh, Trường Sơn, Hàng Xanh… đã bắt đầu kiểm soát hiệu quả. Theo đó, TP. Thủ Đức đang nổi lên như trung tâm đổi mới sáng tạo phía Đông với quy hoạch các cụm đại học, công nghệ cao, trung tâm dữ liệu quốc gia và khu nghiên cứu AI. Đây là hình mẫu cho mô hình hướng tới thành phố thông minh đầu tiên tại Việt Nam.
Tương lai rực rỡ
Nghị quyết 31-NQ/TW xác lập vai trò và tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
Hiện nay, TP.HCM đứng trước ngưỡng cửa mở rộng không gian trở thành siêu đô thị với việc sáp nhập thêm 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Vành đai 3, Vành đai 4, cảng biển Cần Giờ, các tuyến metro… sẽ làm nền tảng để vùng đô thị 25 triệu dân bứt phá. Bóng dáng TP.HCM trong vai trò “thủ phủ” phát triển kinh tế, tài chính, logistics, với các đô thị vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An trở thành hệ sinh thái sản xuất - đô thị. Sự sắp xếp này cho thấy tầm nhìn tạo không gian phát triển đa dạng cả về tự nhiên, kinh tế, văn hóa; tận dụng tối đa hình thái không gian biển để kích hoạt miền núi - đồng bằng - biển đảo nhằm bổ sung, tương tác hỗ trợ nhau cùng phát triển. Theo giới chuyên gia, TP.HCM sẽ là biểu tượng cho Việt Nam hội nhập, đổi mới.
Được chọn là nơi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, TP.HCM được kỳ vọng sẽ kết nối thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, huy động thêm nguồn lực mới, tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển.
Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện thành công mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Trung tâm tài chính là nơi hội tụ dòng vốn lớn, là động lực chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao... Đến thời điểm này, TP.HCM đã hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò đầu tàu trong chiến lược xây dựng trung tâm tài chính mang tầm quốc tế. Một là nền kinh tế năng động và hội nhập quốc tế sâu rộng với quy mô lớn. Hai là những thiết chế cơ bản cho thị trường tài chính hiện đại, bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các trung tâm thanh toán, hạ tầng ngân hàng số và các ứng dụng tài chính công nghệ đã được vận hành một cách bài bản. Ba là vị trí địa lý chiến lược giúp thị trường tài chính TP.HCM kết nối chặt chẽ với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Thượng Hải, Tokyo... thông qua hoạt động đầu tư và thương mại. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tương lai thêm sân bay Long Thành, cùng các cảng biển lớn xung quanh là điều kiện thuận lợi để phát triển hệ sinh thái tài chính toàn cầu…
“Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM mang lại lợi ích thiết thực, tạo ra sức lan tỏa tới các đô thị lân cận và cả khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là nền tảng để TP.HCM nâng cao năng lực quản trị đô thị, phát triển bền vững và mở rộng hợp tác toàn diện với các đối tác toàn cầu”, ông Được nói.
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, không chỉ người dân mà nhiều doanh nhân gắn bó với sự phát triển của thành phố mang tên Bác đều chung 1 niềm tin, đặt kỳ vọng lớn vào các nghị quyết, chính sách đặc thù mà Trung ương dành cho TP.HCM sẽ tạo cơ hội phát triển bứt phá cho nhiều lĩnh vực và hướng tới một tương lai thịnh vượng. TP.HCM “rực rỡ tên vàng” sẽ tiếp tục trưởng thành, vươn lên trở thành một cực tăng trưởng mới mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.