Vân Đồn đã sẵn sàng cất cánh

(BĐT) - Sở hữu sân bay quốc tế cùng với khoảng cách đi và đến các trung tâm kinh tế, tài chính, du lịch lớn trong khu vực chỉ khoảng vài giờ bay, Vân Đồn (Quảng Ninh) có những lợi thế so sánh hấp dẫn để trở thành một “đặc khu”. Với tiềm năng phát triển đa dạng, phong phú, Vân Đồn đã sẵn sàng “cất cánh” khi khung thể chế về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được xác lập.
Mô hình Cảng hàng không Quảng Ninh. Ảnh: Lê Tiên
Mô hình Cảng hàng không Quảng Ninh. Ảnh: Lê Tiên

Sẵn sàng về hạ tầng

Ngày 22/3/2017, Bộ Chính trị đã có kết luận về việc đồng ý cho thành lập ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hoà) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trực thuộc cấp tỉnh, nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng khu vực có lợi thế vượt trội; hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn lực và động lực góp phần thúc đẩy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho các tỉnh, vùng và cả nước. Trong khi chờ Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thông qua, Quảng Ninh đã gấp rút thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng để sẵn sàng cho việc thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Ngày 14/4/2017, khi nghe tỉnh Quảng Ninh báo cáo về Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình khẳng định, quyết tâm lớn của tỉnh Quảng Ninh không chỉ ở việc xây dựng Đề án để được phê duyệt, mà trong suốt 5 năm qua, Tỉnh đã chủ động huy động, thu hút các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó, đã thu hút gần 20.000 tỷ đồng làm các công trình động lực như sân bay, khu dịch vụ phức hợp cao cấp có casino, khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp; trên 40.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông quan trọng...

Với việc xây dựng sân bay quốc tế, Vân Đồn sẽ rút ngắn thời gian đến các trung tâm kinh tế, tài chính và du lịch như Nam Ninh, Thượng Hải, Hồng Kông, Macao, Thẩm Quyến… khoảng từ 1 - 2 giờ bay; đến thủ đô của các nước trong khu vực châu Á chỉ còn 4 - 5 giờ bay. Theo nhận định của lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn, với sân bay quốc tế trong vòng bán kính 5 giờ bay, Vân Đồn có khả năng tiếp cận tới một số thị trường rộng lớn, bao gồm một loạt trung tâm kinh tế lớn của châu Á với dân số hơn 3 tỷ người và tổng GDP hơn 22 nghìn tỷ USD. 

Định hướng tổ chức không gian lãnh thổ huyện Vân Đồn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Chờ cơ chế để bứt phá

Theo Đề án Phát triển Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn mà tỉnh Quảng Ninh xây dựng, nhu cầu vốn để xây dựng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn là khoảng 12 tỷ USD cho giai đoạn 2014 - 2030.

Nhu cầu vốn lớn, nhưng nhìn vào những gì mà Quảng Ninh đã làm được trong thời gian qua có thể thấy “bài toán” thu hút đầu tư không phải là khó giải. Thực tế cũng đã chứng minh, Quảng Ninh rất thành công trong việc mời gọi các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Vân Đồn.

Tập đoàn Sun Group hiện đang thực hiện 2 dự án có vai trò động lực tại Khu kinh tế Vân Đồn là Cảng hàng không Quảng Ninh và Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp (có hạng mục casino). Dự kiến, khi khung thể chế về “đặc khu kinh tế” theo chuẩn mực toàn cầu được xác lập (Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng) thì Vân Đồn sẽ sẵn sàng “cất cánh”.

Nhận định về lợi thế của Quảng Ninh, một số chuyên gia cho rằng, tiềm năng phát triển của Vân Đồn khá đa dạng và phong phú, phù hợp với tiêu chí lựa chọn một vùng đất tách biệt để thử nghiệm một mô hình phát triển mới, thử nghiệm thể chế, cơ chế đặc biệt với ý tưởng cải cách, chính sách cạnh tranh toàn cầu. Đồng thời, với những ưu thế về “biệt lập” với đất liền (qua 3 cây cầu), có thể dễ dàng đo lường được tính hiệu quả và sức lan tỏa của mô hình mới.

Mô hình phát triển mới mà Quảng Ninh đề xuất cho Vân Đồn là thể chế phải cải cách, đổi mới đồng bộ, toàn diện và khác biệt cơ bản so với các khu kinh tế còn lại. Khu kinh tế này phải được trao quyền tự chủ cao, tự do phát triển kinh tế, có cơ chế, chính sách đủ sức cạnh tranh toàn cầu. Tổ chức bộ máy hành chính thật sự tinh gọn, hiệu quả, ít can thiệp vào phát triển kinh tế, theo hướng tổ chức chính quyền đô thị một cấp. Vân Đồn cũng rất mong chờ Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để đảm bảo có tính ổn định chính sách, từ đó hấp dẫn các nhà đầu tư vào khu vực này.

Vân Đồn là quần đảo lớn nhất khu vực miền Bắc với diện tích 2.171km2; có địa hình đa dạng (rừng, biển, đảo đá, đảo đất; tập hợp hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ). Nằm trong quần thể vịnh Bái Tử Long và Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vân Đồn có nhiều giá trị khác biệt về cảnh quan, sinh thái, vùng biển rộng và nhiều bãi biển tự nhiên đẹp và hoang sơ. Nhờ đó, Vân Đồn có lợi thế trong xây dựng cảng du lịch và trung tâm du thuyền nằm trong hệ thống cụm cảng quốc tế Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) - Phòng Thành (Trung Quốc), thuận lợi để tổ chức các tour du lịch đường biển.

Ngoài ra, với lượng khách quốc tế đến tham quan du lịch tại Quảng Ninh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á có nhu cầu lớn về dịch vụ giải trí casino, trò chơi có thưởng và du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, Vân Đồn đang hướng tới đối tượng người nước ngoài kết hợp hài hòa giữa đối tượng là doanh nhân và các gia đình ngoại quốc.