Cầu Mỹ Thuận 2 (tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng), gạch nối hệ thống cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ. Ảnh: Long Thịnh |
Kết cấu hạ tầng “nở hoa”
Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt giao thông, là một trong những giải pháp quan trọng của Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong một thời gian ngắn, một khối lượng công việc chuẩn bị rất lớn đã được các bộ ngành, địa phương hoàn thành để 2 cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau được khởi công. Hai dự án với tổng mức đầu tư khoảng 27.253 tỷ đồng sẽ được xây dựng trong vòng 3 năm, thông tuyến trục cao tốc từ Bắc chí Nam, tăng kết nối không gian liên vùng, kéo vùng Cửu Long gần với trung tâm Đông Nam Bộ.
Một tín hiệu vui nữa là hai trục cao tốc liên kết ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cao Lãnh - An Hữu dự kiến được khởi công trong năm 2023. Theo đó, tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài 188,2 km, đi qua 4 tỉnh thành gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Trong khi đó, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đi qua 2 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang có chiều dài 27,43km với tổng mức đầu tư 5.886 tỷ đồng.
Bên cạnh những dự án đầu tư mới, năm qua, cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã hoàn thành, đưa vào khai thác vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuyến cao tốc dài 51 km, tổng mức đầu tư 12 nghìn tỷ đồng này góp phần nâng cao năng lực lưu thông, rút ngắn thời gian kết nối TP.HCM với miền Tây Nam Bộ. Tuyến huyết mạch khác được người dân hết sức mong mỏi ngày thông xe là cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km, vắt qua các tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long tới thủ phủ Tây Đô. Tuyến cao tốc với tổng mức đầu tư khoảng 4.826 tỷ đồng này đang được đẩy nhanh tiến độ để đưa vào khai thác vào cuối năm 2023.
Trên công trường cầu Mỹ Thuận 2 (tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng), gạch nối hệ thống cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ những ngày giáp Tết, không khí thi công vẫn khẩn trương. Hàng trăm công nhân, thiết bị vẫn miệt mài làm việc cho mục tiêu hoàn thành Dự án vào năm 2023. Các cây cầu khác như cầu Rạch Miễu 2 (5.200 tỷ đồng) vượt sông Tiền, nối tỉnh Tiền Giang với Bến Tre; cầu Châu Đốc (534 tỷ đồng) thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh An Giang với hai tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp… cũng đang dần nối nhịp xuân tươi.
Trong tương lai gần, những mảnh ghép hệ thống hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được hoàn thiện, mang tới diện mạo tươi mới cho vùng đất này. Ngoài các công trình đã và đang triển khai, sẽ có thêm các cao tốc mới được đầu tư như: Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Chơn Thành - Đức Hòa. Các dự án sẽ tạo động lực để vùng đất “Chín Rồng” cất cánh, bay cao.
Nắm cơ hội đổi đời
Thực địa tại các vùng có dự án cao tốc, chúng tôi được ngắm những khuôn mặt toát lên niềm hân hoan, phấn khởi đón xuân về. Anh Lục Văn Út Anh (quê xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), một công nhân có thâm niên làm việc 20 năm ở TP.HCM và Bình Dương chia sẻ: “Đường về nhà giờ đỡ lắm rồi nhà báo à! Thay vì mất cả ngày trời như xưa, giờ tốn có 4 - 5 tiếng”. Ký ức người miền Tây ly hương tìm kế sinh nhai về hình ảnh ngăn sông, cách phà dần nhạt phai khi các tuyến đường, cây cầu mới được Nhà nước đầu tư xây dựng.
Tết Quý Mão là cái tết cuối cùng bà Đào Thị Thanh Dung (trú tại ấp 1, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) ăn tết tại ngôi nhà mà gia đình gắn bó mấy chục năm qua. Ngay sau Tết, bà sẽ dời đến nơi khác để nhường mặt bằng xây dựng nút giao thuộc tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Bà Dung cho biết, dù tiếc nuối nhưng bà và người dân xã Mỹ Thọ rất ủng hộ chủ trương mở cao tốc. Có “đại lộ”, con cháu bà cùng gần 200 ngàn người dân vùng Tháp Mười nơi đây có cơ hội lớn đổi đời. “Có đường cao tốc, khu công nghiệp, khu dân cư mọc lên, sẽ có thêm nhiều công ăn, việc làm. Sắp nhỏ sẽ không phải biền biệt xa xứ lên tận miệt Bình Dương, Đồng Nai lao động nữa. Không còn cảnh ly hương, vất vả tìm kế sinh nhai, hạnh phúc gia đình rồi sẽ trọn vẹn hơn”, bà Dung bộc bạch.
Cũng với cảm xúc phấn khởi, vợ chồng ông Võ Thành Long (trú tại ấp Thanh Nhàn, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, gia đình chuẩn bị nhận tiền đền bù và bàn giao một phần đất vườn và đất lúa cho Nhà nước để làm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Mất đất, ông có chút lo lắng nhưng cũng vui vẻ chấp hành vì theo ông Long, mở đường lớn thì hạt gạo, con tôm, trái xoài quê ông sẽ được giá hơn, người nông dân sẽ có thu nhập cao hơn. “Nhà tui cách cảng Trần Đề không xa, nghe mấy ổng Nhà nước nói sẽ mở khu dịch vụ cảng biển, khu công nghiệp. Lũ trẻ sẽ hồi hương làm việc gần nhà, không phải bôn ba trên thành phố nữa. Thôn ấp rồi sẽ lại rộn rã tiếng cười, sức sống tươi trẻ”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hình thành sẽ giúp Tỉnh thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, phát triển toàn diện theo định hướng 3 mũi nhọn. Theo đó, nông nghiệp công nghệ cao là bệ đỡ, du lịch là mũi nhọn, công nghiệp là đột phá. Ông Bình cho biết, trong quy hoạch Tỉnh tới năm 2030 tầm nhìn 2050, An Giang quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và đô thị bám sát trục cao tốc, khai thác tối đa lợi thế hạ tầng giao thông nhằm tạo đột phá mới về phát triển kinh tế. Trong tương lai gần, quy mô nền kinh tế An Giang sẽ tăng nhanh khi hệ thống cao tốc trong vùng Tây Nam Bộ kết nối đồng bộ.
Nắm bắt cơ hội khi giấc mơ “đại lộ, đại phú” hình thành, tỉnh Sóc Trăng cũng đang ấp ủ những kế hoạch lớn đưa kinh tế - xã hội “cất cánh”. Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, nhằm khai thác tối đa lợi thế cao tốc và cảng nước sâu Trần Đề, Tỉnh đang quy hoạch khu logistics, các khu cụm công nghiệp. Hiện tại, Sóc Trăng đang triển khai khu Trần Đề quy mô khoảng gần 200 ha và các nhà đầu tư đang đăng ký quy hoạch 700 ha để lập dự án sản xuất, lắp ráp xe ô tô… Với nhiều dự định lớn, hy vọng quy mô kinh tế Sóc Trăng sẽ tăng lên nhanh chóng trong thời kỳ tới.