VATM - Chủ động đầu tư, đổi mới sáng tạo để “cất cánh”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 30 năm qua, kể từ khi thành lập, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) - tiền thân là Trung tâm Quản lý bay Việt Nam ra đời ngày 20/4/1993 đã luôn chủ động đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát huy nội lực để làm chủ công nghệ mới, đưa lĩnh vực quản lý hoạt động bay ngang tầm các nước có nền công nghiệp hàng không tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài
Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài

Chủ động đầu tư, điều hành bay hiệu quả

Hiện nay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong toàn bộ vùng trời chủ quyền trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và tại tất cả các cảng hàng không, sân bay trên cả nước. Với quy mô cung cấp dịch vụ trên diện tích gần 1,2 triệu km2, phạm vi hoạt động trải dài trên gần 30 tỉnh, thành phố của cả nước, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường hàng không nội địa và 36 đường hàng không quốc tế, đặc biệt FIR Hồ Chí Minh có các đường hàng không với mật độ bay cao, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông.

Xác định điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm là lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cốt lõi, Tổng công ty luôn chủ trương không ngừng thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ không lưu thông qua việc đổi mới, cải tiến phương thức điều hành bay; tối ưu hóa tổ chức vùng trời; áp dụng công nghệ dẫn đường tiên tiến tại các sân bay có mật độ hoạt động bay cao. Đồng thời, VATM tích cực học tập, hợp tác với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để nghiên cứu tối ưu hóa vùng trời và phương thức bay tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nóng của hàng không trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, VATM luôn được xem là một trong số các đơn vị đi đầu của ngành Hàng không Việt Nam trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, làm thay đổi cơ bản công nghệ quản lý điều hành bay và đáp ứng yêu cầu của các hãng hàng không trong nước và quốc tế.

Năm 2006, VATM đưa vào khai thác Trung tâm điều hành bay đường dài, tiếp cận Hồ Chí Minh, năm 2015 khánh thành Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội. Những dự án này quy mô, công năng hiện đại ngang tầm khu vực. Tổng công ty cũng đầu tư nâng cấp và xây mới hàng chục Đài kiểm soát không lưu ở nhiều sân bay trên cả nước. Tháng 9/2022, VATM đã khởi công Dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” thuộc dự án “Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1” với tổng mức đầu tư gần 3.500 tỷ đồng.

Bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, bằng ý chí quyết tâm, tập thể cán bộ, nhân viên suốt 30 năm qua đã giúp Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam bảo đảm điều hành bay tuyệt đối an toàn cho hơn 11 triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm. Liên tục trong nhiều năm, VATM là đơn vị dẫn đầu ngành Hàng không về năng suất, chất lượng và hiệu quả với tổng thu điều hành bay ước đạt gần 65 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt trên 32 nghìn tỷ đồng.

Khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực

Trong quá trình đổi mới trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ, Tổng công ty luôn chú trọng phát huy nhân tố nội lực, với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Nhiều năm qua, Tổng công ty đã có hàng chục đề tài khoa học nghiên cứu cấp Bộ và hàng trăm đề tài nghiên cứu cấp Tổng công ty đã được các Hội đồng khoa học các cấp nghiệm thu hoàn thành và thực hiện chuyển giao công nghệ thành công, đưa vào sản xuất và áp dụng thực tế.

Tổng công ty đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ các hoạt động; Triển khai các giải pháp với phương châm đầu tư, áp dụng công nghệ thông tin mới nhất trong quản lý điều hành, nâng cao năng lực bảo đảm an toàn bay. Tổ chức áp dụng chuyển đổi các công nghệ mới nhất trong tổ chức, quy hoạch, thiết kế vùng trời và phương thức bay cũng như áp dụng phương thức quản lý tiên tiến để tạo sự thay đổi cơ bản về năng lực của hệ thống. Đổi mới toàn diện hệ thống mạng đường bay, phương thức dựa trên phương thức dẫn đường theo tính năng (PBN). Ưu tiên nắn thẳng các đường bay trục, các đường bay có mật độ bay cao. Nghiên cứu, xây dựng phương thức điều hành để giảm phân cách dọc để tăng năng lực thông qua trong các phân khu đường dài. Tăng cường chủ động và sẵn sàng chuyển đổi sang các hệ thống công nghệ thông tin, dẫn đường, giám sát mới theo lộ trình nâng cấp các khối thiết bị hàng không của ICAO.

Năm 2016, Tổng công ty đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để thúc đẩy mạnh hoạt động KH&CN theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong Tổng công ty.

Tổng công ty đã từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thi công lắp đặt các trang thiết bị chuyên ngành lĩnh vực CNS từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hướng tới xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay (ATTECH) - Công ty con của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Hãng Selex - Mỹ thành lập Trung tâm dịch vụ kỹ thuật khu vực RSC để cung cấp dịch vụ cho Hãng Selex bao gồm các dịch vụ: khảo sát, thi công lắp đặt, thông điện và bay kiểm tra hiệu chuẩn các thiết bị chuyên ngành trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay như: VOR/DME, ILS,… Đội ngũ chuyên gia của ATTECH đã làm chủ được công nghệ đối với hệ thống thiết bị trên và phát triển thêm đối với các sản phẩm chuyên ngành khác như ADS-B, VHF,…

Tổng công ty và Công ty con đã nghiên cứu thành công các sản phẩm phục vụ công tác đảm bảo hoạt động bay và các sản phẩm công nghiệp hàng không, đảm bảo chủ động công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa, thiết bị nhập khẩu. Trong chương trình phát triển công nghiệp hàng không, Tổng công ty đã sản xuất được những sản phẩm đặc thù của ngành được Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện kỹ thuật đưa vào khai thác trong ngành Hàng không dân dụng và chuyển giao sản xuất để cung cấp cho khách hàng đem lại doanh thu, tiêu biểu như: hệ thống đèn hiệu sân bay, thiết bị ghi âm chuyên dụng, đồng hồ thời gian chuẩn, Shelter, giàn phản xạ DVOR/DME, bộ khuếch đại tạp âm thấp tần số 1090MHz (LNA), bộ nguồn hiệu suất cao, phần mềm AMHS cơ bản, phiên bản nâng cấp phần mềm UA,… Các sản phẩm của Tổng công ty sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu lắp đặt, thay thế trang thiết bị tại các sở điều hành bay trong nước và phục vụ nhu cầu xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới đều đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, bao gồm tiêu chuẩn ICAO, đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật, được khách hàng đánh giá cao. Bên cạnh đó, Tổng công ty tự thực hiện dịch vụ bay kiểm tra hiệu chuẩn thiết bị giám sát dẫn đường hàng không.

Trong việc hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH&CN, Tổng công ty và Công ty con đã đẩy mạnh, tăng cường hợp tác trong hoạt động khoa học và công nghệ, xây dựng cơ chế và triển khai các hợp đồng hợp tác với các tổ chức, các nhà hoạt động khoa học và công nghệ có năng lực như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, các chuyên gia của Cục Hàng không Việt Nam, Hãng Selex- Mỹ…

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đội ngũ kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu đã tiếp cận nhanh chóng làm chủ công nghệ kiểm soát tiên tiến hiện đại. Các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay do Tổng công ty cung cấp hoàn toàn đáp ứng và thỏa mãn các hoạt động bay trong nước và quốc tế. Tất cả đều hướng đến mục tiêu chung phấn đấu vì một Quản lý bay Việt Nam trở thành Nhà cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực.

Tin cùng chuyên mục