Hộ kinh doanh sẽ mặn mà hơn với việc chuyển đổi thành doanh nghiệp khi nhìn thấy nhiều ưu thế hơn. Ảnh: Nhã Chi |
Hộ kinh doanh có nhiều lợi thế hơn DN
Theo số liệu thống kê chính thức, tính đến cuối năm 2017, cả nước có gần 5 triệu hộ sản xuất, kinh doanh, gấp 10 lần số DN đang hoạt động, với tổng tài sản ước tính khoảng 655.000 tỷ đồng. Trong số này có rất nhiều hộ kinh doanh dù có doanh thu lớn, đội ngũ nhân công đông đảo, nhưng vẫn chọn mô hình kinh doanh hộ gia đình.
Một khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) được thực hiện với những hộ kinh doanh lớn, tương đương với quy mô DN nhỏ cho thấy, chỉ có khoảng 8,7% hộ kinh doanh có vốn từ 1 - 5 tỷ đồng nghĩ tới việc chuyển đổi thành DN. Tỷ lệ hộ kinh doanh có trên 10 lao động muốn trở thành DN chỉ khoảng 5,63%. Với các hộ kinh doanh lớn này, cơ quan quản lý đã có nhiều chính sách khuyến khích chuyển đổi thành DN, nhưng có tới 11% số hộ không “muốn lớn”.
Vậy đâu là lý do khiến nhiều hộ kinh doanh vẫn muốn duy trì mô hình này dù biết rõ những bất lợi so với mô hình DN như bị hạn chế về số lao động thường xuyên, hạn chế về huy động vốn, chỉ được kinh doanh tại một địa điểm?
Câu hỏi này đã từng được một cán bộ của CIEM đặt ra với các nhà nghiên cứu, đại diện cơ quan quản lý nhà nước trong một hội thảo khoa học về phát triển kinh tế tư nhân thời kỳ mới. Và câu chuyện của một hộ gia đình làm gia công cho một DN dệt may có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được chia sẻ dưới đây phần nào giải đáp cho câu hỏi này.
Cụ thể, hộ gia đình này cung cấp sợi theo hợp đồng cho DN FDI. Theo thoả thuận, DN cung cấp vốn và đầu ra; còn hộ gia đình thì làm thủ tục xin phép xây dựng xưởng sản xuất. Tính toán ban đầu cho thấy, doanh thu trung bình 1 năm của hộ này là khoảng 2 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 800 triệu đồng. Trong quá trình hợp tác, với mong muốn làm ăn lâu dài, DN FDI đã đề nghị hộ kinh doanh này chuyển thành DN, tuy nhiên hộ này đã từ chối với lý do nếu trở thành DN thì phải gánh chi phí lớn quá.
Thực tế, rất nhiều hộ kinh doanh cũng đang có suy nghĩ như vậy, bởi theo họ, với quy định hiện hành, hộ kinh doanh đang có “lợi thế” hơn DN về chi phí kinh doanh. Cụ thể, hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập đơn giản hơn so với thành lập DN; được giảm 50% lệ phí thành lập. Hộ kinh doanh cũng được linh hoạt lựa chọn phương pháp tính thuế cho phù hợp với hoạt động của mình…
Ngại “lớn” vì sợ thanh tra
Tuy nhiên, lý do sâu xa hơn khiến các chủ hộ không mặn mà với việc chuyển đổi là khi trở thành DN thì áp lực thanh tra, kiểm tra sẽ càng nhiều, rủi ro càng lớn. Điều này được phản ánh rõ qua kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố những năm qua. Tại các bản báo cáo này, VCCI đã phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng DN bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều, khi bình quân một DN nhỏ và vừa phải tiếp đón từ 1 - 2 đoàn thanh tra, kiểm tra trong 1 năm; còn DN quy mô lớn phải đón tới 3, thậm chí 4 đoàn.
Bên cạnh đó, theo điều tra của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), ngoài chi phí chính thức như thuế, chi cho lao động…, các khoản chi không chính thức quá cao khiến nhiều hộ không mặn mà chuyển đổi thành DN. Kết quả điều tra PCI 2017 cho thấy, 9 - 11% DN được khảo sát cho rằng chi phí không chính thức chiếm tới hơn 10% doanh thu.
Một lý do nữa khiến các hộ kinh doanh chưa muốn “lên đời” thành DN, theo đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, là do mức thuế suất áp dụng cho các DN nhỏ và vừa vẫn chưa mang tính khuyến khích. Hiện nay, các hộ kinh doanh nếu trở thành DN sẽ phải đóng mức thuế thu nhập DN là 20%. Để khuyến khích các hộ kinh doanh nâng cấp lên thành DN, hiệp hội này đề xuất mức thuế thu nhập DN là ở 10 - 15%.