Vicem tiêu thụ 29,2 triệu tấn xi măng và clinker trong năm 2018, vượt 4,3% kế hoạch và tăng trưởng gần 10% so với năm 2017. Ảnh: Hà Thanh |
Đây có lẽ là một tiền đề quan trọng để Vicem tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa vốn đã bị trì hoãn nhiều năm nay do liên quan việc tái cơ cấu những khoản nợ của Công ty Xi măng Sông Thao và Xi măng Hạ Long.
Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 11%
Vicem cho biết, Tổng công ty đã tiêu thụ 29,2 triệu tấn sản phẩm xi măng và clinker trong năm 2018, vượt 4,3% kế hoạch đề ra và tăng trưởng gần 10% so với năm 2017. Riêng tiêu thụ xi măng bao gồm cả nội địa và xuất khẩu đạt 24,6 triệu tấn, tăng 9,7% so với năm 2017. Với sản lượng như vậy, Vicem hiện chiếm 35% thị phần xi măng của cả nước. Hầu hết các đơn vị đều hoàn thành kế hoạch về tổng sản phẩm tiêu thụ năm 2018, các công ty thành viên có mức tiêu thụ sản phẩm tăng trưởng tốt so với cùng kỳ là Vicem Hoàng Mai, Xi măng Sông Thao, Xi măng Hạ Long và Vicem Hải Vân.
Về kết quả kinh doanh, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2018 của Tổng công ty đạt lần lượt khoảng 37.000 tỷ đồng và 2.811 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 10% và 11% so với năm 2017. Vicem thực hiện nộp ngân sách trên 2.500 tỷ đồng.
Vicem cho biết thêm, nếu không tính khoản trích lập dự phòng đầu tư khi tái cấu trúc Xi măng Hạ Long thì lợi nhuận trước thuế đạt 3.293 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2017.
Sang năm 2019, Vicem đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 31 tấn sản phẩm (xi măng và cliker), tăng 6% so với năm 2018. Doanh thu thuần đạt mức 40.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với thực hiện năm 2017. Lợi nhuận trước thuế phấn đấu tăng trưởng ít nhất 13%, đạt trên 33.200 tỷ đồng.
Tái cấu trúc doanh nghiệp thua lỗ
Câu chuyện được nhiều nhà đầu tư quan tâm là tình hình tái cơ cấu 2 công ty thua lỗ: Xi măng Hạ Long (tiếp nhận từ Tổng công ty Sông Đà vào tháng 3/2016) và Xi măng Sông Thao (nhận lại từ Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị vào tháng 6/2017) của Vicem. Đây cũng là hai “đứa con” làm vỡ kế hoạch cổ phần hóa của Vicem trong nhiều năm qua, kể từ khi kế hoạch này được thông qua năm 2014.
VICEM cho biết, đã thực hiện tăng vốn điều lệ 2 lần cho Xi măng Hạ Long sau khi tiếp nhận doanh nghiệp này với số tiền là 960 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Xi măng Hạ Long đã khởi sắc hơn. Cụ thể, năm 2016 lãi 148,12 tỷ đồng. Năm 2017 báo lỗ 199,5 tỷ đồng nhưng là do ảnh hưởng của lỗ chênh lệch tỷ giá cuối kỳ là 312,15 tỷ đồng. Vicem ước lợi nhuận trước thuế của Xi măng Hạ Long năm 2018 đạt 130 tỷ đồng (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ). Xi măng Hạ Long đã lần đầu tiên tự cân đối để trả nợ gốc và lãi các khoản vay nước ngoài là 853 tỷ đồng.
Đối với Xi măng Sông Thao, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2018 đạt 0,56 tỷ đồng và dự kiến năm 2018 đạt 30 tỷ đồng. Đến nay, Xi măng Sông Thao cũng đã trả được 96,8 tỷ đồng cho Quỹ tích lũy trả nợ thuộc Bộ Tài chính.
Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, trước khi chuyển về Vicem, Xi măng Hạ Long nợ đến 7.989 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến 3.640 tỷ đồng, còn Xi măng Sông Thao nợ 1.076 tỷ đồng, lỗ lũy kế 436 tỷ đồng.
Đây có lẽ là một tiền đề quan trọng để Vicem tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp song song với cổ phần hóa vốn đã bị trì hoãn nhiều năm nay.