Việc công bố chỉ số giá của nhiều địa phương vẫn chậm so với quy định

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Xây dựng, năm 2021, Bộ đã tích cực đôn đốc các địa phương chủ động cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng, giá nhân công, máy thi công đảm bảo bám sát diễn biến thị trường để phục vụ công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, việc công bố chỉ số giá xây dựng của nhiều địa phương vẫn chậm so với quy định của Nghị định 10/2021/NĐ-CP. 
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều tỉnh thực hiện công bố chỉ số giá đến quý I/2022, 20/63 tỉnh công bố chỉ số giá xây dựng quý II/2022 theo năm gốc 2020, có 16/63 tỉnh công bố chỉ số giá xây dựng quý III/2022 theo năm gốc 2020. Về công bố giá vật liệu xây dựng, 50 địa phương đã thực hiện công bố giá vật liệu hàng tháng, 13 địa phương thực hiện công bố giá VLXD hàng quý. Về công bố giá nhân công, máy thi công hiện có 60 tỉnh công bố đơn giá nhân công cho năm 2021 theo cơ cấu nhóm nhân công mới quy định tại Thông tư số 13/2021/TT-BXD; 3 tỉnh gồm Thái Nguyên, Quảng Ninh, Đà Nẵng công bố đơn giá nhân công năm 2020 và có hướng dẫn chuyển đổi xác định đơn giá nhân công.

Về giá một số vật liệu xây dựng chính, Bộ Xây dựng thống kê, tính chung 11 tháng đầu năm 2022, giá thép trung bình khoảng 18,35 triệu đồng/tấn, tăng 2,5% so với năm 2021 và tương đương so với mức đầu năm 2022; giá đá xây dựng tăng 7,2% so với cuối năm 2021; giá cát xây dựng có xu hướng tăng nhẹ với mức tăng bình quân 1,51% hàng tháng do nhu cầu xây dựng. Từ đầu năm đến tháng 11/2022, xi măng đã qua 4 lần tăng giá, tăng 13,17% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 5,55% so với cuối năm 2021; giá nhựa đường tăng 23,52% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 15,01% so với cuối năm 2021.

Bộ Xây dựng cho biết, trong năm qua, Bộ đã tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư và các doanh nghiệp liên quan đến biến động giá vật liệu xây dựng, điều chỉnh hợp đồng xây dựng; đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để tháo gỡ về thể chế. Trong đó, đề xuất Quốc hội cho chủ trương việc biến động giá bất thường dẫn đến giá của các yếu tố cấu thành giá hợp đồng xây dựng tăng trên 15% được coi là sự kiện “bất khả kháng” làm cơ sở giao Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật có liên quan. Bộ cũng đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP theo hướng bổ sung quy định về “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng; giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí định lượng về “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” theo quy định tại Bộ Luật Dân sự đối với biến động giá bất thường và dịch bệnh Covid-19;...