Việt Nam đang phụ thuộc DN FDI trong chuỗi giá trị của ngành điện tử

(BĐT) - Ngày 28/3, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã phối hợp cùng Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc (MOSF), Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo cuối cùng Chương trình chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam năm 2016 – 2017.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trần Tuyết
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trần Tuyết

Các chuyên đề nghiên cứu năm 2016 thực hiện với KDI gồm có hỗ trợ nghiên cứu chính sách hình thành và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ - Trường hợp cụm CN hỗ trợ ngành điện tử tại vùng thủ đô Hà Nội; Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc tư nhân hóa các dịch vụ công cộng và hỗ trợ Việt Nam trong việc xác định khái niệm và tiêu chí phân loại các dịch vụ công phục vụ cho kế hoạch tư nhân hóa trong giai đoạn 2016 – 2020. Ngoài ra, chương trình chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc cũng dành để hỗ trợ việc đánh giá kết quả làm việc của công chức và khuyến nghị cho Việt Nam.

Cụ thể, liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ, trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành điện tử, Việt Nam đã tham gia vào tất cả các khâu sản xuất và lắp ráp như sản xuất linh kiện, lắp ráp sản phẩm trung gian, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên, mặc dù được coi là ngành công nghiệp then chốt và đã đạt được một số thành tựu trong thu hút FDI cũng như đóng vai trò chính trong xuất khẩu, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam mới chỉ ở những bước ban đầu trong chuỗi giá trị của ngành điện tử và đang phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp FDI.

Theo GS. TS. Sung Keuk-je, Trường Đại học Kyunghee Hàn Quốc, hiện năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thỏa mãn yêu cầu của các công ty đa quốc gia còn hạn chế. Số lượng các công ty vốn nội tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam rất nhỏ. Những doanh nghiệp cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp điện tử cấp 1 và cấp 2 chủ yếu là các doanh nghiệp FDI, những doanh nghiệp này chủ yếu dựa vào những vật liệu sản xuất cơ bản và linh kiện nhập khẩu. Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút thêm các công ty đa quốc gia và phát triển ngành công nghiệp điện tử. Tiềm năng này chỉ có thể thành hiện thực khi mà năng lực của các công ty Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành điện tử có thể khắc phục những điểm yếu của mình và đáp ứng được đòi hỏi của các công ty đa quốc gia.

Song, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, kết quả thu được chưa được như mong muốn. Những lý do chính được GS.TS Sung Keuk-je chỉ ra, bao gồm: Thứ nhất, tại thời điểm ban hành những văn bản chính sách này, Nhà nước chưa đảm bảo được nguồn lực tài chính để thực hiện. Trong văn bản ban hành những chính sách này, Nhà nước luôn đưa ra một câu đó là giao cho một số bộ đề xuất những hoạt động cụ thể và đề xuất ngân sách để thực hiện. Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ cân đối ngân sách để cho ý kiến vào những đề xuất của các bộ. Nguồn lực thực hiện những chính sách đã được đưa ra này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước.

Thứ hai, quá trình ban hành chính sách thiếu sự tham gia thực chất của các doanh nghiệp. Cách thức tham gia chủ yếu của các doanh nghiệp vào dự thảo các văn bản chính sách đó là thông qua website của các cơ quan Nhà nước.

Thứ ba, Nhà nước ban hành chính sách đôi khi còn dựa vào mong muốn chính trị và đôi khi quá tham vọng.

GS.TS Sung Keuk-je chia sẻ, ngành công nghiệp điện tử của Hàn Quốc đã không nhận được sự quan tâm trong giai đoạn đầu phát triển kinh tế. Vào khoảng đầu những năm 1980, Hội thảo công bố báo cáo cuối cùng Chương trình Chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam năm 2016-2017 Hàn Quốc đã đạt được một số thành tựu quan trọng đóng vai trò là bước ngoặt và ngành công nghiệp điện tử của Hàn Quốc bắt đầu phát triển bùng nổ từ giữa những năm 1990. Hàn Quốc bắt đầu, như những nước đang phát triển khác, bằng việc lắp ráp hàng hóa cuối cùng, nhập khẩu linh kiện vào những năm 1960, và chỉ đến giữa những năm 1980, ngành công nghiệp hỗ trợ mới thu hút được sự quan tâm nhiều hơn.

Vào thời gian đó, Hàn Quốc xuất khẩu lượng lớn linh kiện và vật liệu và vào năm 2014, thặng dư thương mại đối với mặt hàng linh kiện và vật liệu đã vượt con số trên 100 tỷ đô la Mỹ.

Một số bài học có thể rút ra từ những mô hình khác nhau trong phát triển ngành điện tử tại các nước Đông Á. Về cơ bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã phát triển khá bền vững ngành công nghiệp điện tử sản xuất sản phẩm cuối cùng và linh kiện. Malaysia và Singapore chuyên môn hóa vào việc lắp ráp linh kiện điện tử cho các công ty đa quốc gia, và Philippines đang đi theo hướng này. Thái Lan cũng phát triển ngành công nghiệp điện –điện tử, nhưng trọng tâm của Thái không chỉ ngành công nghiệp điện tử, trong khi Indonesia đang đi sau những nước khác trong hầu hết các khía cạnh của ngành công nghiệp điện -điện tử.

Từ những quan sát trên, nghiên cứu của nhóm diễn giả của GS.TS Sung Keuk-je đã đưa ra một số đề xuất chung và cụ thể bao gồm phát triển thương hiệu quốc gia, mở rộng kế hoạch hợp tác với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, mua công nghệ nước ngoài, nới lỏng những điều kiện cho vay và phát triển ngành công nghiệp vật liệu.

Những đề xuất chung được nhóm nghiên cứu đề cập đến bao gồm: xóa bỏ những phân biệt đối xử trong sản xuất cũng nhưng phân biệt đối xử đối với các công ty trong nước. Điều kiện tiên quyết khi ban hành chính sách đó là chính sách cần phải chi tiết và mang tính bao trùm, và cần phải có tầm nhìn dài hạn. Đề xuất cuối cùng đó là những quyết định mang tính đột phá cần phải là sáng kiến của người lãnh đạo cao nhất; không có những cam kết mạnh mẽ và đáng tin cậy của những nhà lãnh đạo cao nhất thì những quyết định mang tính đột phá khó có thể được đưa ra.