Việt Nam đang trở thành địa điểm lý tưởng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thông tin tại Hội nghị Phát triển Khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tổ chức chiều ngày 11/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với những chuyển biến ấn tượng trong lĩnh vực này, Việt Nam đang trở thành địa điểm lý tưởng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Chuyển biến ấn tượng

Báo cáo những kết quả nổi bật về KHCN, ĐMST và nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển kinh tế, để làm tiền đề xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác đẩy mạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho KHCN, ĐMST liên tục được đẩy mạnh. Nhiều luật như liên quan xử lý cho KHCN, ĐMST được ban hành như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Thủ đô và các Nghị quyết đặc thù của một số tỉnh, thành phố. Cùng với đó, văn bản pháp luật về KHCN, chuyển đổi số được ban hành hoặc được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

“Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo dự kiến trình Quốc hội tháng 05/2025. Nghị quyết đặc thù của Quốc hội về KHCN, ĐMST cũng dự kiến trình Quốc hội ngay tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 trong tháng 02/2025”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các chiến lược, chương trình, đề án, chỉ thị về phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghị định về cơ chế đặc thù cho Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung và dự kiến ban hành trong tháng 02/2025. Đặc biệt, Nghị định 182 quy định việc thành lập và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư đã được Chính phủ ban hành với nhiều chính sách hỗ trợ đột phá được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và kỳ vọng vào các cơ chế chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.

Thông tin về các thành tựu nổi bật của KHCN, ĐMST đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, việc triển khai rộng rãi Đề án 06 với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Chỉ bàn làm - Không bàn lùi” đã tạo ra những kết quả quan trọng, giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng hạ tầng số, phục vụ cho chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Những thành tựu KHCN hiện đại cũng được ứng dụng hiệu quả, đóng góp trực tiếp vào các ngành kinh tế trọng điểm.

Cụ thể, nông nghiệp đã ứng dụng nhiều công nghệ cao giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu. Y tế và chăm sóc sức khỏe đã làm chủ được công nghệ sản xuất vắc xin và thiết bị y tế, phát triển các kỹ thuật điều trị tiên tiến. Quốc phòng, an ninh đã chủ động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ nhằm hiện đại hóa các trang thiết bị; xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ về dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, biến dữ liệu thành tư liệu sản xuất quan trọng….

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

Chính phủ cũng chủ động thúc đẩy các ngành công nghệ cao mới nổi, phù hợp xu hướng của thế giới. Trong đó ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành lĩnh vực quyết định lợi thế cạnh tranh về công nghệ của nhiều quốc gia.

“Chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam đã tạo được những bước đi ấn tượng trong việc hợp tác về bán dẫn với các quốc gia, nền kinh tế như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Châu Âu… và các tập đoàn công nghệ lớn như Cadence, Intel, Qovor, Apple, Marvell, Samsung, Synopsys. Việt Nam cũng được Hoa Kỳ chọn là một trong 06 quốc gia tham gia Đạo luật Chips để phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Bên cạnh bán dẫn, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang dẫn dắt những thay đổi đột phá trên thế giới, Chính phủ đã sớm chỉ đạo Bộ KH&ĐT giao Trung tâm ĐMST Quốc gia thúc đẩy hợp tác quan trọng với Tập đoàn NVIDIA để hình thành trung tâm nghiên cứu AI tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn Microsoft, Google, Qualcomm, Meta tăng cường hợp tác nghiên cứu, ứng dụng AI tại Việt Nam. Các Tập đoàn trong nước như Viettel, VinGroup, FPT, CMC,... cũng chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các dự án, hoạt động nghiên cứu, phát triển về AI.

Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ mối liên kết giữa các chủ thể hệ sinh thái với vai trò dẫn dắt của Trung tâm ĐMST Quốc gia, được đánh giá là hệ sinh thái mạnh của khu vực. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam đã bắt đầu chuyển các doanh nghiệp ở nước ngoài về Việt Nam để tối ưu các lợi ích từ hệ sinh thái trong nước…

“Từ kết quả đó, hình ảnh, vị thế về KHCN, ĐMST của Việt Nam ngày càng được ghi nhận trên các diễn đàn thế giới cho thấy một Chính phủ năng động, linh hoạt và hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng nêu rõ, vẫn còn 5 hạn chế, bất cập về KHCN, ĐMST: Thể chế, chính sách, cơ chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn” của phát triển; số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là đội ngũ nhân lực tham gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo; Đầu tư cho KHCN còn thấp…cần được giải quyết để đạt được những thành tựu lớn hơn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tổng hợp. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tổng hợp. Ảnh: VGP

Loại bỏ “điểm nghẽn”, khơi thông động lực tăng trưởng mới

Về năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để KHCN, ĐMST, nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, Chính phủ cần đặt quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 03 một cách hiệu quả, toàn diện, mang lại những chuyển biến lớn, có tính cách mạng, có tác động rõ nét lên các chỉ số tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất cần thực hiện ngay 5 nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh rà soát, loại bỏ các “điểm nghẽn” thể chế ngay trong quý I/2025 đối với các Nghị định và quý II/2025 đối với các Luật. “Nếu cần thiết, giao cơ quan chủ trì xây dựng Nghị quyết 03 phối hợp các Bộ, ngành rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh yêu cầu tiến độ của các nhiệm vụ có tính cấp bách, cần làm ngay. Cụ thể như: cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực tài chính ngân sách nhà nước, giao quyền tự chủ đối với tài sản công, viện trợ, tài trợ cho KHCN, ĐMST, thu hút, đào tạo nhân tài, nhân lực chất lượng cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất.

Thứ hai, xác định ngay các dự án trọng tâm về KHCN, ĐMST gắn với mục tiêu tăng trưởng của ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng có thế mạnh để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện trong năm 2025.

Thứ ba, nhân rộng mô hình thu hút FDI như thu hút Tập đoàn NVIDIA, tập trung vào dự án đầu tư đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo “luồng xanh” cho việc triển khai dự án, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư để duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trước mắt tập trung vào giáo dục đại học, đào tạo ngắn hạn; thí điểm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đại học theo gói cam kết đầu ra với chính sách học bổng toàn phần cho học viên sau đại học và yêu cầu phải có doanh nghiệp đồng hành.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy kết nối sâu rộng tầm khu vực và quốc tế về KHCN, ĐMST; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các lĩnh vực trọng tâm để thu hút mọi nguồn lực, trong đó có nhân tài người Việt trên toàn thế giới tham gia vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao: bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học…; khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho thế hệ trẻ tham gia học các ngành STEM.

Để hiện thực hóa các giải pháp nêu trên, cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, địa phương và cơ quan liên quan cụ thể hóa và tổ chức triển khai một số nhiệm vụ cụ thể ngay trong quý I và quý II năm 2025.

Tin cùng chuyên mục