Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
FDI còn thấp vì nhiều cam kết chưa được thực thi ngay
Theo Báo cáo Việt Nam sau 02 năm thực thi CPTPP từ góc nhìn doanh nghiệp vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Aus4Reform - Đại sứ quán Australia tại Việt Nam thực hiện vừa được công bố, trên bình diện chung, trong so sánh với kết quả thu hút FDI nói chung của Việt Nam, năm 2019 thu hút đầu tư từ các đối tác CPTPP dường như kém lạc quan hơn.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2019, Việt Nam thu hút xấp xỉ 9,5 tỷ USD vốn đầu tư từ các nước CPTPP, giảm gần 36% so với năm 2018. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới giảm 51,3% so với năm 2018; vốn đăng ký tăng thêm giảm 50,6%; giá trị góp vốn mua cổ phần tăng 36,5%.
Đáng chú ý, trong khi tổng số vốn đăng ký giảm, số dự án cấp mới lại tăng hơn 13% so với năm 2018. Quy mô trung bình các dự án FDI mới từ các nước CPTPP giảm mạnh trong năm 2019 so với năm trước đó, từ gần 11 triệu USD/dự án năm 2018 giảm xuống còn khoảng 4,7 triệu USD/dự án năm 2019 (giảm 56,9%).
Xét theo từng đối tác, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam có mức giảm sâu nhất về giá trị, từ gần 9 tỷ USD năm 2018 giảm xuống còn hơn 4 tỷ USD năm 2019, tương đương 52%. Vốn FDI từ các nguồn truyền thống khác cũng giảm mạnh như Australia giảm gần 63%, Malaysia giảm 50%...
Cụ thể, báo cáo của VCCI phân tích, vốn FDI từ các nguồn CPTPP giảm gần 36% thì tổng vốn FDI thu hút được năm 2019 của Việt Nam vẫn tăng trên 7%. Đặc biệt, vốn đăng ký mới từ CPTPP giảm trên 51% thì tổng vốn đầu tư đăng ký mới từ tất cả các đối tác mặc dù cũng giảm nhưng cũng chỉ ở mức gần 7%. Dù tất cả các dự án từ các đối tác CPTPP và từ thế giới đều giảm, nhưng tốc độ giảm ở các đối tác CPTPP cao gấp 2 lần so với trung bình chung (tương ứng là giảm 56,9% và giảm 26,9%).
Có thể nói, bức tranh FDI chung không mấy sáng sủa của năm 2019, mảng FDI từ các đối tác CPTPP “tối màu” hơn đáng kể. Nếu soi chiếu với số liệu đầu tư ra nước ngoài của các nước đối tác thì tình hình còn kém khả quan hơn khi mà tổng đầu tư ra nước ngoài (chỉ tính đầu tư trực tiếp) trên toàn thế giới cũng như từ các nước CPTPP trong năm 2019 đều tăng (lần lượt là tăng 33,19% và 51,25%) so với năm 2018.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không nên quá lo lắng và sốt sắng với kết quả này. Thông thường các cam kết về thể chế cần nhiều thời gian hơn để phát huy tác dụng, còn các cam kết mở cửa thị trường trong CPTPP lại phần lớn có lộ trình dài, chưa thực hiện ngay trong 2 năm đầu thực thi. Và không giống như xuất khẩu hàng hóa, các quyết định đầu tư cần một khoảng thời gian dài hơi hơn, có thể là đến vài năm, để nhà đầu tư cân nhắc nhiều yếu tố liên quan tới việc đầu tư. Vì vậy, ngay cả với các cam kết mở cửa có dịch vụ và đầu tư ngay khi CPTPP có hiệu lực, vẫn cần một độ lùi thời gian đáng kể để các cam kết này có tác động thực tế.
Báo cáo của VCCI phân tích, mặc dù các dự án vốn FDI từ các đối tác CPTPP năm 2019 giảm mạnh về quy mô vốn trung bình so với năm 2018, trong so sánh về giá trị, quy mô các dự án từ các đối tác CPTPP vẫn cao hơn 9,5% so với quy mô vốn trung bình của các dự án FDI từ tất cả các nguồn. Năm 2019 không có biến động lớn nào như trong năm 2018 (Dự án Thành phố thông minh tại Đông Anh, Hà Nội của nhà đầu tư Sumitomo Corporation với tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD - chiếm tới gần 30% tổng số vốn đầu tư FDI từ các đối tác CPTPP năm 2018), nên sự sụt giảm ở mức 35,9% trong bối cảnh sụt giảm chung trong thu hút FDI của Việt Nam trong năm này cũng là điều có thể dự đoán trước.
Trong khi vốn đầu tư từ các nguồn truyền thống trong CPTPP đều giảm trong năm 2019, thì theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), một trong những điểm sáng đáng ghi nhận là vốn FDI từ các đối tác mới trong CPTPP vào Việt Nam (Canada, Mexico) hoặc các đối tác truyền thống nhỏ (Brunei, New Zealand) lại được cải thiện tích cực.
“Điều này một lần nữa cho thấy CPTPP đang tạo ra các tác động tích cực đối với các đối tác mới”, bà Trang nhấn mạnh.
Nếu như năm 2019 có bức tranh khá ảm đạm thì sang năm 2020, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, thu hút đầu tư từ CPTPP khả quan hơn. Cụ thể, tổng vốn FDI vào Việt Nam năm 2020 đạt 28,5 tỷ USD, giảm gần 25% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, vốn FDI từ các đối tác CPTPP cùng giai đoạn đạt 11,8 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP
Ở chiều ngược lại, kết quả khảo sát cho thấy, DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam đang nhận được nhiều lợi ích nhất từ CPTPP trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết với đối tác nước ngoài so với nhóm DN nhà nước và DN dân doanh. Tỷ lệ DN có yếu tố nước ngoài biết về CPTPP cao nhất (29,7%) so với 2 nhóm DN còn lại. Các DN FDI cũng là nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất về xuất nhập khẩu, có mối quan tâm đặc biệt tới các vấn đề về bảo hộ, mở cửa đầu tư, đồng thời khá bài bản trong các vấn đề về chính sách, pháp lý, do đó suy đoán có động lực cao trong tìm hiểu các cam kết FTA thế hệ mới như CPTPP. Tỷ lệ DN FDI đánh giá CPTPP tác động bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình thấp hơn nhiều so với DN dân doanh.
Khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh trong tương lai để tận dụng cơ hội lợi ích từ CPTPP và các FTA, các DN FDI tại Việt Nam cho biết họ sẽ ưu tiên việc chuyển đổi nguồn cung nguyên vật liệu để tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan theo CPTPP và các FTA. Việc nhận diện này sẽ giúp DN thực thi hiệu quả và thực chất hơn hiệp định quan trọng này. Từ đó có thể thấy một bức tranh tươi sáng và lạc quan hơn đáng kể về hiệu quả tận dụng, tính sẵn sàng và chủ động của các DN trong thực thi CPTPP so với các FTA trước đây.
Có một thực tế nữa được nhiều chuyên gia nhận định, CPTPP nói riêng và các FTA nói chung đang góp phần tạo ra sức hấp dẫn riêng của Việt Nam trong thu hút các dòng vốn FDI đang chuyển dịch.
Do đó, để thu hút đầu tư từ các đối tác trong CPTPP, Báo cáo khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, tháo gỡ rào cản do bất cập trong công tác thực thi và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và nguồn cung nguyên vật liệu tại chỗ...