Việt Nam đang ngày càng nhập nhiều hơn phế liệu sắt thép từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy sản xuất phôi thép, sắt thép. |
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2020, Việt Nam nhập khoảng 6,3 triệu tấn phế liệu sắt thép, với kim ngạch 1,67 tỷ USD, tương đương 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Giá loại hàng này trung bình khoảng 6 triệu đồng/tấn. Xuất xứ nhóm hàng đến chủ yếu từ Nhật Bản với 3,3 triệu tấn/năm, chiếm trên 52,3% tổng lượng phế liệu sắt thép nhập khẩu.
Năm 2019, Việt Nam nhập hơn 5,6 triệu tấn phế liệu sắt thép từ các nước, trong đó, từ Nhật Bản khoảng 2,2 triệu tấn. Như vậy, sau chỉ 1 năm, lượng phế liệu sắt thép từ Nhật vào Việt Nam đã tăng 1,1 triệu tấn.
Hiện, phế liệu sắt thép được phép nhập khẩu vào Việt Nam phục vụ cho tái chế, đầu vào sản xuất. Rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành sắt thép của Việt Nam sử dụng các loại sắt thép phế liệu cho công đoạn nung, luyện phôi gang để tạo sản phẩm mới.
Tuy nhiên, việc quản lý, giám sát hoạt động sản xuất từ phế liệu đến thành phẩm mới cần được quản lý và theo dõi nghiêm ngặt. Một số chuyên gia kinh tế lo ngại, việc Việt Nam nhập phế liệu, sản xuất phôi thép rồi lại xuất khẩu phôi thép cho các nước dễ khiến Việt Nam trở thành chuỗi sản xuất thô, ít giá trị gia tăng vừa gây rủi ro cho môi trường do hoạt động tái chế phế liệu mang lại.
Bên cạnh đó, mặc dù việc nhập khẩu phế liệu thép về Việt Nam chủ yếu phục vụ sản xuất, đầu vào cho sản xuất, song thời gian từ năm 2019 đến nay khá nhiều đối tượng lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu sắt thép để trà trộn các loại thiết bị, phụ tùng hoặc hàng không phải nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Tháng 10/2018, cơ quan Hải quan đã phát hiện Công ty TNHH Posco SS Vina, có địa chỉ tại đường N1, khu công nghiệp Phú Mỹ 2, Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhập 5 container thì trong đó có 3 container có chứa hàng là ốc vít, đĩa phanh ô tô các loại.
Tháng 11/2020, Tổng cục Hải quan đã ra văn bản cảnh báo về các thủ đoạn khai sai tên hàng, chủng loại, mã số đối với các mặt hàng sắt thép nhập khẩu, trong đó có phế liệu sắt thép để được hưởng lợi từ chính sách thuế.
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng hiện sử dụng phương thức nhập khẩu phế liệu sắt thép nhưng khai gian, khai giả để nhập nhiều loại máy móc, linh kiện điện tủ cũ như: tủ lạnh, điều hòa, tivi, máy giặt, thậm chí các loại máy nông cụ, máy khoan, máy cầm tay... Nhiều loại thiết bị thuộc danh mục hàng cấm nhập, hoặc nhập khẩu có điều kiện, không lưu hành.
Hiện trên thị trường, nhất là nhóm kinh doanh online đồ cũ, các loại đồ điện tử Nhật đã qua sử dụng (hay còn gọi là hàng "Nhật bãi"). Những mặt hàng này được bán với giá bằng 30-50% so với mức giá bán mới và đều được quảng cáo là hàng qua sử dụng chưa bị sửa chữa, hư hỏng.
Hiện, cơ quan chức năng vẫn chưa có chế tài xử phạt các nhóm, cá nhân kinh doanh các mặt hàng này, khiến cho nhu cầu nhập các đơn hàng này về Việt Nam vẫn còn, phát sinh nhiều hệ lụy về môi trường, an toàn cho con người.