Vĩnh Phúc vào top 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sự khởi sắc của nhiều ngành kinh tế như: sản xuất công nghiệp, du lịch... đã tạo lực kéo đưa tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Vĩnh Phúc năm 2022 ước tăng 9,54% so với năm 2021. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay, đưa Vĩnh Phúc vào top 10 địa phương có mức tăng trưởng cao nhất cả nước.
Năm 2022, sản xuất công nghiệp của Vĩnh Phúc có nhiều khởi sắc. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2022, sản xuất công nghiệp của Vĩnh Phúc có nhiều khởi sắc. Ảnh: Lê Tiên

17/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự kiến đạt và vượt kế hoạch

Vĩnh Phúc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022 với hàng loạt khó khăn, thách thức khi căng thẳng chính trị diễn ra phức tạp ở nhiều khu vực trên thế giới, xung đột Nga - Ukraine làm giá xăng dầu, nguyên vật liệu cho sản xuất tăng cao; chuỗi cung ứng gián đoạn… gây áp lực cho sản xuất, kinh doanh. Đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm (2020 và 2021) ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển KT-XH cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng... Song với quyết tâm cao độ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, tình hình KT-XH năm 2022 của Tỉnh đã có sự hồi phục và phát triển rất khả quan.

“Dự kiến 17/17 chỉ tiêu KT-XH năm 2022 đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND Tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022”, ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.

Về tăng trưởng kinh tế, ông Văn cho hay, năm 2022, GRDP của Tỉnh ước tăng 9,54% so với năm 2021, mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay.

“Mức tăng này cao hơn so với mức tăng bình quân chung cả nước (ước tăng 8%) và cao hơn so với mục tiêu kế hoạch (mục tiêu tăng 8 - 9%), đưa tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2022 đạt gần 9%/năm. Theo đó, Vĩnh Phúc nằm trong top 10 địa phương có mức tăng trưởng cao nhất cả nước”, ông Văn chia sẻ.

Năm 2022, GRDP của Vĩnh Phúc ước tăng 9,54% so với năm 2021, mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay
Năm 2022, GRDP của Vĩnh Phúc ước tăng 9,54% so với năm 2021, mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng định hướng. GRDP bình quân đầu người ước đạt 127,8 triệu đồng/người/năm, đưa Vĩnh Phúc tiếp tục vào top 10 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước.

Về thu hút vốn đầu tư, năm 2022, Vĩnh Phúc ước thu hút được 453 triệu USD vốn FDI, bằng 100,6% kế hoạch năm. Thu hút vốn đầu tư trong nước dự kiến đạt 12.500 tỷ đồng, bằng 57% so với năm 2021, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Sản xuất công nghiệp năm 2022 có nhiều khởi sắc. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã hoạt động trở lại bình thường, xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, vận hành ổn định, hiệu quả, tối ưu công suất nhà máy... Theo đó, kết quả sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái, tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp theo giá so sánh năm 2010 ước tăng khoảng 15,5%, riêng ngành chế biến, chế tạo ước tăng 15,6% so với năm 2021.

Dịch vụ du lịch cũng có sự phục hồi và phát triển ấn tượng. Ông Văn cho hay, năm 2022, Khu du lịch Tam Đảo trở thành khu du lịch quốc gia thứ 7 của Việt Nam và được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022. Giải thưởng này là sự ghi nhận thành công bước đầu của ngành dịch vụ du lịch huyện Tam Đảo, nâng tầm vị thế và giá trị thương hiệu của Khu du lịch quốc gia Tam Đảo, đồng thời đóng góp quan trọng vào sự lớn mạnh của ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

Kiên quyết tháo gỡ điểm nghẽn, tạo động lực phát triển

Năm 2023, theo lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, kế hoạch phát triển KT-XH được xây dựng trong bối cảnh quốc tế, trong nước có những khó khăn, thách thức đan xen. Song với quyết tâm cao, Tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng 8 - 9,5% năm 2023; thu hút 400 triệu USD vốn FDI và 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 32.398 tỷ đồng…

“Để đạt mục tiêu này, Vĩnh Phúc tập trung cao độ, quyết liệt, bài bản thực hiện hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá tại Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Tỉnh. Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển KT-XH…”, ông Văn nhấn mạnh.

Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp của vùng và cả nước. Ảnh: Đức Hiền
Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp của vùng và cả nước. Ảnh: Đức Hiền

Trong năm 2023, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh cải cách và tạo đột phá về thể chế, cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, nhất là các điểm nghẽn về đất đai, môi trường đầu tư, đầu tư công...; khơi thông các nguồn lực, tạo động lực phát triển cho Tỉnh.

Với hoạt động đầu tư, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là công trình, dự án trọng điểm, các khu công nghiệp, các dự án liên vùng, các công trình kết cấu hạ tầng đô thị.

Với công tác quy hoạch, địa phương sẽ tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Trước đó, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành ngày 29/12/2020 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.

Với những nỗ lực không ngừng trong phát triển KT-XH cùng lợi thế của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo với nhiều sáng kiến đi đầu trong cả nước, kỳ vọng kinh tế Vĩnh Phúc thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Tin cùng chuyên mục