VND vẫn ổn định trong vòng xoáy cạnh tranh thương mại

(BĐT) - Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung liên tục leo thang và khó dự báo về động thái tiếp theo của cả hai bên. Một số đồng tiền đã giảm giá đáng kể so với USD, song tỷ giá USD/VND được kiểm soát trong mức độ vừa phải bằng các công cụ phù hợp.
Cách thức điều hành chính sách hối đoái được đánh giá là hợp lý và hiệu quả với tình hình kinh tế hiện nay. Ảnh: Lê Tiên
Cách thức điều hành chính sách hối đoái được đánh giá là hợp lý và hiệu quả với tình hình kinh tế hiện nay. Ảnh: Lê Tiên

Giằng co lợi ích thương mại từ hai phía

Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra với các đợt trừng phạt và trả đũa giữa hai bên, diễn biến rõ rệt nhất trên thị trường tài chính thế giới là biến động lớn của các chỉ số chứng khoán và tỷ giá giữa các đồng tiền có quan hệ với CNY (đồng Nhân dân tệ Trung Quốc) và USD. Điều này cho thấy phản ứng của các nhà đầu tư đối với cuộc chiến này.

Trên thị trường ngoại hối, USD tăng giá một phần do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, một phần do Trung Quốc muốn giảm giá CNY để tăng lợi thế cho hàng xuất khẩu nhằm bù đắp thiệt hại từ chính sách trừng phạt bằng thuế quan của Mỹ.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trương Văn Phước - quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận xét: “Hai tháng trở lại đây, Mỹ đã bắt đầu đề cập đến việc một số nước thao túng các đồng nội tệ, đặc biệt là những nước có trạng thái thương mại thặng dư với Mỹ. Dù vậy, diễn biến của USD trong hai tháng qua có dấu hiệu chững đà tăng giá, đồng thời, CNY vẫn trong xu hướng giảm giá so với USD song mức độ giảm giá yếu hơn”.

Số liệu thống kê từ các trang tin và kênh tài chính thế giới cho thấy, tính từ cuối năm 2017 đến nay, CNY mất giá từ 5 - 6% so với USD. Trong khi đó, nhiều đồng tiền khác có mức độ mất giá lớn hơn, chẳng hạn, đồng Rupee của Ấn Độ mất giá khoảng 13% so với USD.

Theo ông Phước, vũ khí được sử dụng phổ biến trong chiến tranh thương mại là thuế, trong khi đó, chính sách tỷ giá là công cụ ứng phó quan trọng để hạn chế tổn thất trong cuộc chiến này. Thực tế, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng không muốn USD tăng giá quá mạnh do e ngại điều này có thể khiến hàng hóa của Mỹ giảm tính cạnh tranh trên thị trường trong khi nước này đang muốn gia tăng xuất khẩu để giảm nhập siêu. Vì lẽ đó, hiện tượng dễ thấy trên thị trường trong thời gian gần đây là USD đã bớt đà tăng giá.

Chia sẻ góc nhìn về nội dung này, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho rằng, đà mất giá vừa qua của CNY không ảnh hưởng quá lớn đến các đồng tiền khác. Đáng chú ý, Trung Quốc đang muốn duy trì chính sách ổn định tiền tệ chứ không muốn phá giá đồng tiền.

“Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vẫn tăng trong quý III và thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc duy trì ở mức cao. Trung Quốc cũng có ít khả năng phá giá đồng nội tệ trong thời gian tới bởi họ vẫn muốn củng cố giá trị đồng tiền trong chiến lược dài hạn trở thành đồng tiền có khả năng thanh khoản tốt trên thị trường thế giới. Do đó, họ đã dùng nhiều giải pháp khác nhau về dự trữ ngoại hối, bán ra trái phiếu Mỹ để duy trì giá trị đồng tiền”, ông Thắng nhấn mạnh. 

VND giảm giá vừa phải, chính sách tiền tệ hợp lý

Bàn về diễn biến giao dịch của VND trong thời gian qua, ông Trương Văn Phước cho biết, mức tăng tỷ giá trung tâm USD/VND và tỷ giá thị trường USD/VND lần lượt khoảng 1,5% và 3% từ đầu năm đến nay là khá thấp so với biến động của các đồng tiền khác. 

“Với những gì chúng ta đã chứng kiến thời gian qua, có thể thấy rằng, dù FED tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 12 năm nay hoặc vài lần trong năm 2019 thì cũng khó có thể làm cho USD tăng giá mạnh. Chính quyền Trump hết sức cân nhắc trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Tại Việt Nam, lạm phát năm nay dự kiến khoảng 4% - mức tương đối thấp ở Việt Nam nhưng khá cao so với nhiều nước khác, kinh tế vẫn giữ đà tăng trưởng tốt với các chỉ báo kinh tế vĩ mô tích cực là những tín hiệu cho thấy việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng đã đi đúng hướng”, ông Phước bình luận và nhấn mạnh thêm: “Có thể khẳng định là mức độ mất giá của VND so với USD vừa qua là dễ hiểu và cách thức điều hành chính sách hối đoái rất hợp lý và hiệu quả với tình hình kinh tế hiện nay”.

Cùng quan điểm này, TS. Trần Toàn Thắng phân tích: “Lúc chiến tranh thương mại mới diễn ra, VND có hiện tượng tăng giá so với CNY và nhiều người nghĩ đó là do chiến tranh thương mại, song thực chất đó là tác động tâm lý. Bởi lẽ, nhu cầu dùng CNY để thanh toán trong giao dịch thương mại là không quá lớn và đột biến đến mức ảnh hưởng tới tỷ giá. Từng có ý kiến cho rằng, nên phá giá VND ở mức 2 - 3% để phù hợp với diễn biến trên thị trường ngoại hối, tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá một cách thận trọng bằng các biện pháp phù hợp”.

Tin cùng chuyên mục