Bị cáo Lê Trung Kiên tại phiên tòa. Ảnh: Báo ANTĐ |
Tại phiên tòa, cựu Giám đốc này khai rằng, thời điểm đó muốn thành lập một công ty bất động sản lớn, đủ sức dẫn đầu thị trường.
Lừa bán cổ phiếu, thu hơn 75 tỷ đồng của 72 nhà đầu tư
Theo kết quả điều tra, vào đầu năm 2007, Lê Trung Kiên, Giám đốc Hanoi Land đã thỏa thuận với ông Phạm Hùng, Tổng giám đốc Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) về việc thành lập Tổng công ty CP Bất động sản Lilama Land. Ông Phạm Hùng đã ký thư mời các nhà đầu tư tham gia góp vốn khi Lilama Land được thành lập.
Vào thời điểm đó, trên thị trường xuất hiện thông tin về việc thành lập Lilama Land với vốn điều lệ khủng lên tới cả nghìn tỷ đồng. Vốn góp của các cổ đông sáng lập khoảng 40% vốn điều lệ, trong đó Lilama sẽ nắm giữ 10%, Công ty Bất động sản Hà Nội nắm giữ 10%, cổ đông sáng lập khác nắm giữ 20%, 60% vốn điều lệ còn lại sẽ phát hành ra công chúng. Thông tin này đã được nhiều nhà đầu tư đón nhận và tìm cơ hội góp vốn vào Lilama Land.
Lê Trung Kiên đã sử dụng thư mời mà ông Phạm Hùng ký để gọi vốn. Từ tháng 4/2007 đến tháng 5/2007, Lê Trung Kiên đã thu hơn 75 tỷ đồng của 72 nhà đầu tư để mua cổ phiếu Lilama Land khi được thành lập. Toàn bộ số tiền này được chuyển về tài khoản của Hanoi Land.
Nhưng đến khi Lilama triệu tập cuộc họp để bàn bạc việc thành lập Lilama Land, thì Hanoi Land không được mời tham dự. Các cổ đông sáng lập cũng không có tên của Hanoi Land. Chỉ khi Lilama công bố danh sách cổ đông sáng lập này thì các nhà đầu tư đã góp vốn cho Kiên mới biết Hanoi Land không có tên. Do đó, họ đã đến gặp Kiên để đòi lại tiền. Một số nhà đầu tư đã rút tiền. 45 nhà đầu tư khác đồng ý tiếp tục đầu tư và Kiên đã gửi danh sách những người này tới Lilama.
Quá trình giải quyết với nhóm 45 nhà đầu tư này, Lê Trung Kiên đã trả lại một phần tiền, còn lại 29 nhà đầu tư đã góp 25 tỷ đồng vẫn kiên trì yêu cầu tiếp tục được góp vốn vào Lilama Land. Nhưng thực tế, Kiên không hề chuyển tiền góp vốn của họ sang Lilama Land.
Lê Trung Kiên khai rằng, đã sử dụng tiền để đầu tư vào một số dự án như mua tàu biển ở nước ngoài và chạy xin một số dự án xây dựng trong nước nhưng không thành công. Kiên hoàn toàn không chứng minh và cung cấp được tài liệu liên quan. Do đó, cơ quan công tố cho rằng, Kiên phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 25 tỷ đồng của nhóm 29 nhà đầu tư nói trên. Đến nay, Lê Trung Kiên mới khắc phục được một phần hậu quả, còn chiếm đoạt 22 tỷ đồng.
Tham vọng lập công ty bất động sản dẫn đầu thị trường
Tại phiên tòa sơ thẩm, Lê Trung Kiên khai rằng, thời điểm đó bị cáo này có quan hệ với nhiều tập đoàn, có nhiều đối tác lớn, quen biết nhiều “tỷ phú” và có ý tưởng muốn thành lập một công ty bất động sản lớn, đủ sức dẫn đầu thị trường, thậm chí có tác động cả thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng vấn đề khó nhất là vốn, vì vậy bị cáo Kiên đã bàn bạc với ông Phạm Hùng, khi đó là Tổng giám đốc Lilama và được ông Hùng ủng hộ ý tưởng này, thành lập công ty cổ phần, phát hành cổ phiếu với hy vọng thu hút được quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn và các cá nhân muốn góp vốn. Những cá nhân góp vốn thông qua bị cáo Kiên đều là tự họ thấy cơ hội đầu tư hấp dẫn, có thể sinh lời nên muốn góp tiền. Không ngờ đến khi Lilama họp thành lập công ty thì lại không mời Hanoi Land...
Trong khi đó, đại diện của Lilama trình bày trước tòa rằng, từ trước tới giờ, Lilama không có hợp tác gì với Lê Trung Kiên hay là Hanoi Land và cũng không có thỏa thuận gì về việc thành lập Lilama Land. Việc Lê Trung Kiên khai đã thỏa thuận với ông Phạm Hùng thì đó chỉ là quan hệ cá nhân. Khi nhà đầu tư phản ánh việc Lilama phát hành thư mời thì Công ty mới biết sự việc và khuyến cáo nhà dầu tư muốn đầu tư thì trực tiếp góp vốn. Với những người đã góp vốn cho Lê Trung Kiên, Công ty có thiện chí tiếp nhận nhưng thực tế Kiên không hề chuyển tiền...
Một số người đã góp vốn qua Kiên khai rằng, họ có nghe được thông tin thành lập Lilama Land và thấy có thư mời nên tin tưởng bởi Lilama là công ty có vốn của Nhà nước. Việc mua cổ phiếu là việc đầu tư bình thường với mong muốn sinh lời. Nay họ đề nghị Tòa án giải quyết quyền lợi để thu hồi tiền cho họ.