WB và “thách thức lớn nhất của Việt Nam 20 năm tới”

Việt Nam có ít nhất hai thách thức lớn nhất để đạt được mục tiêu 2035, Chủ tịch nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim trả lời câu hỏi của VnEconomy, tại buổi họp báo sáng 23/2 tại Hà Nội.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim (giữa) chủ trì buổi họp báo.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim (giữa) chủ trì buổi họp báo.

Trước đó, ông Kim đã chủ trì buổi lễ công bố báo cáo “Việt Nam 2035 - Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”. 

Thông điệp chính từ báo cáo này là hướng tới năm 2035, Việt Nam cần khơi dậy khát vọng xây dựng một đất nước công nghiệp hiện đại với chất lượng cuộc sống cao hơn. 

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, để vươn tới khát vọng này Việt Nam cần vượt qua những thách thức và khó khăn không hề nhỏ. 

Vậy thách thức lớn nhất là gì?

Trả lời câu hỏi này của VnEconomy, Chủ tịch WB cho rằng Việt Nam đang có ít nhất hai thách thức lớn nhất. 

Thách thức thứ nhất, theo ông Kim là bất cứ nước nào cũng phải đối mặt, liên quan đến cải cách cơ cấu, tập trung vào khu vực tư nhân trong nước để bảo đất đai và nguồn vốn được phân bổ phù hợp với nguyên tắc thị trường chứ không chỉ phân bổ cho những người thân quen. 

“Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện vấn đề này”, ông Kim nhấn mạnh. 

Thách thức thứ hai được ông Kim đề cập liên quan đến vấn đề nhân lực, phụ thuộc vào việc Việt Nam sẽ đầu tư vào con người nhiều đến mức nào để có thể cạnh tranh trong thời đại số hoá. 

“Đầu tư vào con người là đầu tư vào tương lai, cũng có nghĩa Việt Nam cần cải thiện chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học, đây là thách thức rất lớn”, Chủ tịch WB nói. 

“Việt Nam vẫn được biết đến là đất nước có tình trạng tham nhũng lớn, vậy làm gì để có thể được mục tiêu 2035 mà vẫn chống được tham nhũng?”, một phóng viên khác đặt câu  hỏi. 

Ở câu trả lời, Chủ tịch WB nói, cách đây 20 năm người tiền nhiệm của ông đã nói về vấn đề tham nhũng ở Việt Nam, và quan điểm của WB là không dung dưỡng tham nhũng. 

Theo ông Kim, báo cáo đã đề cập một trong ba trụ cột để Việt Nam cải cách thể chế chính là tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước. Nhưng, không chỉ nhà nước cần cam kết chống tham nhũng một cách mạnh mẽ, mà người dân cũng cần nói lên tiếng nói của mình trong lĩnh vực này. 

Thoát “bẫy thu nhập trung bình” 

Câu hỏi nữa dành cho vị Chủ tịch WB, là Việt Nam cần làm thế nào để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” (thuật ngữ chỉ tình trạng một quốc gia đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định do những lợi thế sẵn có, và giậm chân tại mức thu nhập ấy mà không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn)? 

Khẳng định là không thể có câu trả lời duy nhất cho Việt Nam, song ông Kim tin tưởng rằng cũng như nhiều nước khác, Việt Nam hoàn toàn có thể thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, nếu thưc hiện các khuyến nghị đã được nêu tại báo cáo. 

Trong đó, trọng tâm trước mắt là đảm bảo nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của doanh nghiêp trong nước, phát triển các thiết chế thị trường thiết yếu, bảo vệ quyền sở hữu tư nhân và thực thi các chính sách cạnh tranh. 

Trách nhiệm giải trình của Chính phủ và sự giám sát của người dân, theo ông Kim cũng là vấn đề quan trọng để Việt Nam có thể thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”. 

Chủ tịch WB cũng cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam theo nhiều cách khác nhau, như huy động nguồn vốn, chuyển giao tri thức và nhất là sẽ tập trung đầu tư vào con người. 

Trước buổi họp báo, khi công bố báo cáo “Việt Nam 2035”, ông Kim đã nhấn mạnh, Việt Nam là một tấm gương thành công về phát triển từ một trong những nước nghèo nhất. Trong 30 năm qua. Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức gần 7% và đã áp dụng các chương trình mục tiêu giúp hàng chục triệu người thoát khỏi cảnh nghèo khổ.