Xây dựng chiến lược thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0

(BĐT) - Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, số hóa... phát triển với tốc độ chóng mặt, thay đổi từng ngày, tạo ra những thách thức chưa từng có trong lịch sử, để thích ứng và theo kịp xu hướng, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần đặt ra chiến lược quốc gia với tầm nhìn dài hạn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) yếu thế và chuẩn bị sẵn sàng về nhân sự.
Cần có cơ chế, chiến lược để giúp cho các mô hình kinh doanh mới như Grab, Alibaba... nẩy mầm tại Việt Nam. Ảnh: Nhã Chi
Cần có cơ chế, chiến lược để giúp cho các mô hình kinh doanh mới như Grab, Alibaba... nẩy mầm tại Việt Nam. Ảnh: Nhã Chi

Thách thức chưa từng có

Chia sẻ câu chuyện của Đức, TS. Michael Krakowski - Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh của Dự án GIZ cho biết, khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) ra đời từ một đơn đặt hàng nghiên cứu của Đức và được công bố lần đầu tiên tại Hội chợ triển lãm Hanover 2011. Điều này cho thấy khái niệm không còn mới, thế giới đã và đang thực hiện từ rất lâu. Tuy nhiên, những sản phẩm và dịch vụ mới, yêu cầu kết nối trong xã hội... sẽ liên tục xuất hiện, khó dự báo trước.

Theo TS. Michael Krakowski, việc ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng này thể hiện rất rõ qua các mô hình kinh doanh đột phá. Mặc dù ra đời từ năm 1975, có nền tảng công nghệ tốt và từng đạt mốc doanh thu 13 tỷ USD với 63.900 nhân viên vào năm 2003, nhưng Kodak đã bị phá sản năm 2012 do không có mô hình kinh doanh phù hợp. Ra đời năm 2010, nhưng có mô hình kinh doanh đột phá chỉ với 13 nhân viên nhưng có đến 30 triệu người dùng, nên Instagram đã khiến Facebook phải trả tới 1 tỷ USD để mua lại Công ty vào năm 2012...

Theo ông Bùi Quý Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế, hiện có rất nhiều điểm khác biệt trong xu hướng phát triển công nghệ, mô hình kinh doanh cũng như thị trường so với trước đây. Đó là nhà cung ứng nhưng lại không có tài sản cố định; các hãng viễn thông không có hạ tầng mạng; Uber, Grap... kinh doanh dịch vụ vận tải không có một chiếc taxi nào; doanh nghiệp làm dịch vụ logistics không có một kho bãi nào...

Hay như trong lĩnh vực giáo dục, PGS. TS. Lê Anh Vinh thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng đưa ra những bằng chứng về sự thay đổi khó tưởng của công nghệ như robot có thể thay thế giáo viên và trên thực tế, một số trường học đã đưa robot vào giảng dạy ngoại ngữ...

Trong khi thế giới đang xuất hiện những mô hình kinh doanh mới, với tốc độ chuyển động công nghệ nhanh như vũ bão, thì nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm hướng đi. Việc quản lý đối với các mô hình kinh doanh mới của Uber, Grap, Airbnb... được xem như những bài học điển hình được nhiều chuyên gia lấy làm ví dụ về sự chậm trễ của Việt Nam. 

Cần có chính sách hỗ trợ phát triển

Rõ ràng, thích ứng với sự thay đổi và tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ là một vấn đề lớn đối với Việt Nam. Đây cũng là thách thức không phải của riêng quốc gia nào. Thực tế tại Đức, dù có tới 60% công ty nhận thức về số hóa, nhưng hiện chỉ có 25% đã xây dựng chiến lược của mình về xu hướng này.

Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có sự hỗ trợ về chính sách để thúc đẩy sự tham gia vào CMCN 4.0. Đặc biệt là giúp những DN nhỏ và vừa có sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng tương thích với các nền tảng công nghệ mới.

Việc xây dựng các cơ chế, chiến lược thích ứng với CMCN 4.0, theo ông Bùi Quý Long, là cần thiết để giúp cho các mô hình kinh doanh mới như Grap, Alibaba... có “đất dưỡng”, nẩy mầm tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần định nghĩa chính xác cuộc cách mạng mà Việt Nam đang đối mặt, từ đó mới có thể đi vào những trọng tâm.

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, cũng đề nghị, khi xây dựng chiến lược này cần xác định rõ hơn, cụ thể hơn về những vấn đề trọng tâm, những việc gì có thể làm nhanh được thì ưu tiên làm trước... Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phải hướng vào các DN nhỏ và vừa, vốn yếu thế hơn so với các DN lớn.

Về phía người dùng, ông Bùi Quý Long kêu gọi: “Cuộc cách mạng này là dành cho tất cả mọi người. Thay vì sử dụng điện thoại thông minh, Ipad... chỉ phục vụ cho nhu cầu giải trí, liên lạc, thì người dùng có thể biến nó thành công cụ hái ra tiền”.

Từ những phân tích về tác động cũng như đánh giá cơ hội và thách thức từ cuộc CMCN 4.0 đối với Việt Nam, TS. Đặng Quang Vinh - Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM đã đề xuất 6 nhóm giải pháp như: xây dựng nền tảng cho CMCN 4.0 về hạ tầng và nhân lực; chuyển đổi quản trị nhà nước (xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số và đào tạo nhân lực quản lý nhà nước); hỗ trợ DN tham gia CMCN 4.0 và khuyến khích phát triển một số lĩnh vực ưu tiên; phát triển hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo; thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp 4.0 (điều chỉnh chính sách thu hút FDI, mua sắm công...); tập trung đầu tư, phát triển một số công nghệ mới, ứng dụng đa ngành, có lợi thế và tiềm năng phát triển...