Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2022: Sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ kép

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các địa phương cần xây dựng giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài, bắt kịp xu hướng phục hồi của nền kinh tế thế giới để tận dụng thời cơ mới. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng diễn ra ngày 14/9/2021.
Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 trong tháng 9 và bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới vào quý IV, tăng trưởng GDP cả năm có khả năng đạt 3,5 - 4%. Ảnh: Lê Tiên
Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 trong tháng 9 và bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới vào quý IV, tăng trưởng GDP cả năm có khả năng đạt 3,5 - 4%. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều nỗ lực vượt khó

Những thông tin tại Hội nghị cho thấy một bức tranh kinh tế nhiều khó khăn và cũng rất nhiều nỗ lực, quyết tâm để vượt qua tác động của dịch bệnh, duy trì ổn định kinh tế - xã hội của các địa phương.

Chịu tác động mạnh của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, Hà Nội dự kiến năm 2021 tốc độ tăng GRDP đạt 4,54% ở kịch bản cơ sở, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra (7,5 - 8%). 5/24 chỉ tiêu triển kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch.

Bên cạnh đó, những địa phương ít chịu ảnh hưởng đã và đang nỗ lực tăng tốc. Quảng Ninh phấn đấu GRDP tăng trưởng 2 con số và thu ngân sách đạt trên 51.000 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu của Tỉnh. Hải Dương dự kiến có 9/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó kinh tế tăng trưởng khoảng 8,1%, vượt mục tiêu đề ra là 8%; thu ngân sách nội địa ước tăng 22,9% so với dự toán năm… 8 tháng năm 2021, một số địa phương trong 2 vùng có tốc độ tăng trưởng nằm ở nhóm cao nhất cả nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của cả nước phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng, chống dịch. Nếu kiểm soát tốt trong tháng 9 và bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới vào quý IV, thì tăng trưởng GDP cả năm có khả năng phấn đấu đạt 3,5 - 4%. Bộ trưởng đề nghị các tỉnh ít chịu ảnh hưởng bởi dịch nỗ lực hơn để bù đắp cho những địa phương đang giãn cách, đóng góp cho tăng trưởng chung. Tập trung thực hiện nghiêm phòng chống dịch, không để bùng phát trở lại.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các cấp chính quyền địa phương cần thân thiện với doanh nghiệp, theo tinh thần đồng hành, tháo gỡ, hỗ trợ, phục vụ. Doanh nghiệp cần điều này hơn cả các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đang nghiên cứu ban hành. “Làm tốt chính là xúc tiến đầu tư tại chỗ, hiệu quả hơn nhiều đi xúc tiến, đi kêu gọi đầu tư”, Bộ trưởng chia sẻ.

Cần chiến lược thích ứng, tận dụng cơ hội

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2022 là rất lớn, làm sao để phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng năm 2022 dự kiến trình Quốc hội là 6 - 6,5%. Theo Bộ trưởng, ưu tiên hàng đầu vẫn là quyết liệt phòng chống dịch, bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân. Trong bối cảnh hiện nay, xu thế của thế giới nói chung là xác định có khả năng phải sống chung với dịch bệnh. Nhiều nước đã mở cửa trở lại, có nước mở cửa mạnh, có nước chậm hơn nhưng đều theo tinh thần là phải mở cửa kết hợp phòng chống dịch. Việt Nam cũng cần có sự thay đổi sớm, xem xét điều chỉnh chiến lược theo xu thế mới, cần sáng tạo, linh hoạt, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ kép. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT xây dựng chương trình phục hồi kinh tế cho năm 2022 và 2023, khoảng tháng 10 sẽ trình Chính phủ và các cấp có thẩm quyền để xem xét thông qua. Các địa phương cũng cần chủ động xây dựng chương trình phục hồi kinh tế phù hợp với điều kiện, tình hình để làm sao tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương, của vùng, khôi phục sản xuất, phát triển nhanh và mạnh trong các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới năm 2022 sẽ có sự phục hồi, nhưng không đồng đều giữa các nước. Trật tự thế giới chắc chắn có sự thay đổi, chuyển dịch, kể cả với chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 phải đánh giá được tác động đến Việt Nam, cơ hội nào và làm sao để tận dụng cơ hội, thời cơ mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý phải nâng cao sức chống chịu, tự chủ và thích ứng của nền kinh tế để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh, bất ngờ, dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp… Nội lực được củng cố sẽ giúp Việt Nam chủ động, có thể đối mặt nhiều thách thức mới xảy ra trong tương lai.

Bộ KH&ĐT đang xây dựng Đề án Xây dựng nền kinh tế tự chủ, với tinh thần coi nội lực là yếu tố cơ bản, mang tính chiến lược lâu dài, ngoại lực là quan trọng cần thiết… Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới và cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, trong đó phát huy tối đa 2 yếu tố mới được lồng ghép thêm là khoa học kỹ thuật và văn hóa, con người Việt Nam. Triển khai hiệu quả xây dựng quy hoạch, kiên kết vùng để phát huy tối đa nguồn lực phát triển, tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, mỗi vùng kinh tế…

Tin cùng chuyên mục