Xây dựng thông tư hướng dẫn đầu tư PPP lĩnh vực y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Y tế đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thuộc lĩnh vực y tế nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Thời hạn góp ý là đến ngày 17/8/2024.
Dự án Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả (Quảng Ninh) từng được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP nhưng bất thành, do gặp khó khăn trong xác định phần vốn góp của nhà nước (đất đai, nhân lực, đất, thương hiệu…).
Dự án Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả (Quảng Ninh) từng được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP nhưng bất thành, do gặp khó khăn trong xác định phần vốn góp của nhà nước (đất đai, nhân lực, đất, thương hiệu…).

Dự thảo Thông tư gồm 4 chương, 23 điều hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động đầu tư PPP lĩnh vực y tế theo quy định tại khoản 3 Điều 93 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP.

Theo Dự thảo Thông tư, các dự án được áp dụng hình thức PPP trong lĩnh vực y tế phải có quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu từ 100 tỷ đồng trở lên để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, dự phòng, kiểm nghiệm. Cụ thể là đầu tư xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình cơ sở y tế; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá, vận hành, kinh doanh công trình cơ sở y tế sẵn có; vận hành, kinh doanh công trình cơ sở y tế sẵn có.

Ngoài những quy định chung tại khoản 3 Điều 14 Luật PPP, Mẫu số 01 Phụ lục II và III Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, Dự thảo Thông tư dành 12 điều để quy định về nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi, nội dung và mẫu hợp đồng dự án... Trong đó, Dự thảo Thông tư đề xuất áp dụng loại hợp đồng BOT áp dụng cho các dự án PPP vận hành, kinh doanh công trình cơ sở y tế sẵn có, thực hiện theo cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng hoặc tổ chức bao tiêu sản phẩm, dịch vụ công theo khoản 1 Điều 45 Luật PPP; áp dụng loại hợp đồng BLT cho các dự án PPP đầu tư xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình cơ sở y tế; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá, vận hành, kinh doanh công trình cơ sở y tế sẵn có, thực hiện theo cơ chế Nhà nước thanh toán trên cơ sở chất lượng sản phẩm, dịch vụ công theo khoản 2 Điều 45 Luật PPP...

Về đầu mối quản lý, Bộ Y tế là cơ quan có thẩm quyền đối với các dự án PPP trong lĩnh vực y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ. UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền đối với các dự án PPP trong lĩnh vực y tế thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Tin cùng chuyên mục