Xếp loại doanh nghiệp phải công bằng

(BĐT) - Ban hành Hệ thống chỉ tiêu và các báo cáo thống kê về doanh nghiệp (DN) chưa lâu (ngày 10/5/2016), Bộ Tài chính lại tiếp tục yêu cầu cơ quan thuế xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với DN. 
Bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế liên quan sát sườn tới mọi doanh nghiệp, nên rất cần doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến. Ảnh: Lê Tiên
Bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế liên quan sát sườn tới mọi doanh nghiệp, nên rất cần doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến. Ảnh: Lê Tiên

Khó thực hiện

Việc ban hành các hệ thống tiêu chí hay bộ tiêu chí nhằm hướng tới quản lý rủi ro, tăng cường quản lý DN gian lận thuế, trốn thuế; tạo điều kiện tối đa cho DN thực hiện tốt pháp luật về thuế. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam ủng hộ các hệ thống tiêu chí hay bộ tiêu chí mà Bộ Tài chính xây dựng. Tuy nhiên bà Cúc cũng hết sức băn khoăn về Bộ tiêu chí đang xây dựng. Bởi theo Bà, Hệ thống tiêu chí mới được ban hành có 3 nhóm tiêu chí gồm đánh giá về tình trạng hoạt động; tình hình tài chính và kết quả kinh doanh; tuân thủ pháp luật về thuế của DN với 60 chỉ tiêu phụ rất chi tiết. Căn cứ vào các tiêu chí này, hàng năm, cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra DN có nhiều rủi ro. “Bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế cũng nhằm mục đích nâng cao hiệu quả quản lý thuế, trong đó có việc phân loại doanh nghiệp để tiến hành thanh tra, kiểm tra. Vì vậy, cần phải có sự thống nhất trong một số tiêu chí tránh tình trạng cán bộ thanh tra thuế căn cứ bộ tiêu chí này khi đi thanh tra, kiểm tra còn cán bộ quản lý rủi ro lại sử dụng bộ tiêu chí khác để phân loại DN tốt hay xấu thì rất khó thực hiện và rất khó biết DN nào chấp hành tốt chính sách thuế” - bà Cúc khuyến cáo.     

Đánh giá cụ thể về việc phân loại DN tốt/xấu theo Bộ tiêu chí đang được Tổng cục Thuế xây dựng, bà Cúc cho rằng rất khó áp dụng trong thực tế. Cụ thể, DN được xếp vào loại tốt, ngoài việc đáp ứng 8 tiêu chí như kê khai đầy đủ, đúng hạn các sắc thuế; nộp thuế thu nhập doanh nghiệp/vốn chủ sở hữu lớn hơn mức trung bình so với doanh nghiệp có cùng quy mô, cùng ngành nghề… thì trong vòng 730 ngày liên tục kể từ ngày đánh giá trở về trước không có thông tin về việc DN bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; người đại diện hợp pháp bị khởi tố bị can về các hành vi vi phạm về thuế; nợ thuế, tiền phạt và các khoản phí và lệ phí, các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước…  

“Thế nào là có thông tin và thế nào là không có thông tin? Một DN làm ăn chân chính, chấp hành tốt pháp luật về thuế nhưng đối thủ cạnh tranh cung cấp thông tin cho cơ quan thuế rằng DN không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước nào đó hay có nợ các khoản phí, lệ phí… thì cũng xếp DN vào diện chấp hành pháp luật về thuế chưa tốt để đưa vào diện tăng cường quản lý rủi ro là không khách quan” - bà Cúc bình luận.   

Doanh nghiệp nào cũng vi phạm (?!)

Doanh nghiệp cần tham gia góp ý hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, tránh trường hợp “khi đóng góp ý kiến thì cơ bản đồng ý, khi ban hành thì cơ bản không thực hiện được”.
Theo ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Deloitte Vietnam, nếu căn cứ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp đóng vào ngân sách nhà nước để xếp hạng thì 100% DN có vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian 5 năm đầu kể từ khi thành lập sẽ bị xếp vào đối tượng tuân thủ pháp luật thuế ở mức độ thấp. Vì trong 5 năm đầu tiên, DN phải đầu tư lớn, chi phí nhiều cho mọi hoạt động, đặc biệt là chi cho quảng cáo, khuyến mại, tiếp cận thị trường trong khi thị phần chưa có, nên cầm chắc lỗ. “Nếu lấy tiêu chí này để đánh giá ý thức chấp hành chính sách thuế và sau đó cơ quan thuế công bố công khai danh tính DN chấp hành chính sách thuế chưa tốt sẽ ảnh hưởng đến uy tín của DN và ảnh hưởng đến chính tiêu chí đánh giá vì tiêu chí đưa ra không khách quan, thiếu khoa học”, ông Tuấn khuyến cáo.   

Từng đi kiểm toán cho rất nhiều DN, ông Tuấn cho biết, quy định trong thời hạn hai 2 năm liên tục không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền qua thanh tra, kiểm tra, quản lý giám sát đánh giá không tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê tài chính là không phù hợp, bởi trên thực tế trong lĩnh vực kế toán, đối với DN có quy mô lớn, nhiều chi nhánh, đại lý, công ty con, công ty liên kết thì việc sai sót là bình thường. Vì vậy, cần phải cụ thể hóa tiêu chí này là vi phạm về chế độ kế toán, tài chính ở mức độ nào, do vô tình hay cố ý gian lận, gian lận có hệ thống mới quy kết DN có chấp hành chính sách thuế tốt hay không.      

Hiện tại, Bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đang trong quá trình hoàn thiện, vì vậy, bà Nguyễn Thị Cúc rất mong muốn các DN, hiệp hội DN đóng góp ý kiến để Tổng cục Thuế xây dựng Bộ tiêu chí phù với thực tế. “Bộ tiêu chí này liên quan sát sườn tới mọi DN, đề nghị DN tham gia đóng góp ý kiến, tránh trường hợp “khi đóng góp ý kiến thì cơ bản đồng ý, khi ban hành thì cơ bản không thực hiện được” như rất nhiều văn bản, cơ chế, chính sách khác”, bà Cúc kêu gọi.

Tin cùng chuyên mục