4 trạm thu phí BOT bị cho là “đặt nhầm chỗ” gồm: BOT T2 Quốc lộ 91, BOT La Sơn - Túy Loan, BOT Bỉm Sơn và BOT Quốc lộ 3 Chợ Mới - Thái Nguyên. Ảnh: Lê Tiên |
Theo các chuyên gia, giải pháp tốt nhất cho các dự án này là Nhà nước sớm mua lại các trạm thu phí để giải quyết những hệ lụy. Đặc biệt, phải căn cứ vào những điều khoản của hợp đồng BOT và xử lý trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng quyền lợi của nhà đầu tư.
Mới đây, Chính phủ có báo cáo về 4 trạm thu phí BOT bất cập do tính chất đặc thù, việc triển khai các giải pháp xử lý gặp nhiều vướng mắc gồm: BOT T2 Quốc lộ 91, BOT La Sơn - Túy Loan, BOT Bỉm Sơn và BOT Quốc lộ 3 Chợ Mới - Thái Nguyên. Điểm chung của các trạm thu phí này là đều “đặt nhầm chỗ” (nhà đầu tư BOT đầu tư 1 tuyến đường nhưng lại đặt trạm thu phí ở 1 tuyến đường khác có lưu lượng xe cao hơn). Vấn đề là việc “đặt nhầm chỗ” này không phải là lỗi của nhà đầu tư, vị trí đặt trạm đã được “định hình” tại phương án tài chính hoàn vốn đầu tư cho dự án BOT, Nhà nước đưa ra để mời gọi nhà đầu tư.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư BOT đang đứng trước bờ vực phá sản do đã trải qua một thời gian dài, các trạm thu phí BOT thứ 2 của dự án không đi vào hoạt động. Phía ngân hàng tài trợ vốn cho dự án BOT cũng tăng khoản nợ xấu khổng lồ theo thời gian vì phương án tài chính hoàn vốn cho dự án BOT bị phá vỡ.
Theo ông Trần Kỳ Sơn, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hợp đồng BOT thể hiện sự ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan với nhau, gồm: cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ vốn. Việc hợp đồng quy định có 2 trạm thu phí hoàn vốn đầu tư nhưng chỉ cho đặt 1 trạm là vi phạm hợp đồng, và trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chính cơ quan nhà nước có thẩm quyền mời gọi nhà đầu tư vào đầu tư dự án BOT bằng chính vị trí đặt trạm thu phí “nhầm chỗ” để dẫn đến tình trạng đầu tư 1 tuyến đường và thu phí hoàn vốn ở 1 tuyến đường khác.
Để giải quyết những bức xúc của người dân, không dồn nhà đầu tư vào tình thế phá sản, nợ xấu của ngân hàng gia tăng, phương án tốt nhất là Nhà nước bỏ tiền mua lại trạm thu phí. Nếu quá trình xử lý các bất cập của trạm thu phí BOT không được thỏa đáng, nhà đầu tư nên đưa vụ việc ra tòa án để tạo tiền lệ được đối xử bình đẳng, sòng phẳng trong các hợp đồng dự án BOT.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà đầu tư BOT cho biết, mặc dù việc Nhà nước mua lại các trạm thu phí BOT là chưa có trong tiền lệ nhưng là cần thiết để “cứu” nhà đầu tư trên bờ vực phá sản, ngân hàng cho vay vốn không bị gia tăng dư nợ xấu, cũng tránh được bức xúc của người dân. Hiện có khoảng 4 - 5 dự án BOT có trạm thu phí bất cập nên việc Nhà nước bỏ tiền ra mua lại trạm thu phí cũng xoay quanh con số khoảng 10.000 tỷ đồng, nếu để lâu, con số này sẽ tăng lên. Cách xử lý này có tính hiệu quả trên nhiều phương diện mà không lo đến việc tạo tiền lệ cho các dự án BOT khác cũng đòi Nhà nước mua lại vì cơ sở giải quyết là hợp đồng ký kết giữa các bên.
Trường hợp các trạm thu phí BOT vẫn được triển khai đúng vị trí, đúng số lượng thì nhà đầu tư phải “lời ăn lỗ chịu” nếu lưu lượng xe biến động. Trong các hợp đồng BOT đã ký, chế tài xử lý đối với các bên khi vi phạm hợp đồng là không rõ ràng, hơn nữa, các hợp đồng BOT đã ký đều ở giai đoạn chưa có Luật PPP nên khung pháp lý không chặt chẽ, và đó là lý do mà nhà đầu tư không tự tin khi “kiện” Nhà nước ra tòa vì vi phạm hợp đồng.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, việc phải làm để sửa sai cho các trạm thu phí BOT “đặt nhầm chỗ” là Nhà nước mua lại, còn mua lại 1 trạm hay mua lại toàn bộ dự án là điều cần phải bàn, và quy trình mua lại phải công khai, minh bạch, cần có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan thanh tra, kiểm toán để đánh giá rõ ràng và cụ thể giá trị dự án, giá trị tại thời điểm mua lại. Nếu cần, cơ quan công an phải vào cuộc để tránh thất thoát tiền của Nhà nước, trả đúng giá trị mà nhà đầu tư đã bỏ ra.