Tình trạng xây dựng không phép, sai phép có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn. Ảnh: Tiên Giang |
Vấn đề nóng là xây dựng không phép, trái phép
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, một số đại biểu nêu vấn đề về những bức xúc của cử tri liên quan đến tình trạng xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm đất công, rừng đặc dụng, đất nông nghiệp và cả đất quốc phòng. Cùng với đó là vấn đề xử lý trách nhiệm của cán bộ, cơ quan quản lý trong việc quản lý công trình sai phép, không phép?
Tại Phiên họp, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã thừa nhận tình trạng xây dựng không phép, sai phép là có thật, dù thời gian qua đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn. Tính bình quân năm 2016, sai phép khoảng 12 - 13%, tương đương trên 15.000 trường hợp. Nguyên nhân là do việc cấp phép còn hạn chế, chủ đầu tư cố tình vi phạm giấy phép, cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra không kịp thời, xử lý vi phạm không dứt điểm...
Để giải quyết thực trạng này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay, Bộ Xây dựng sẽ cố gắng trong thời gian tới cùng với địa phương trực tiếp thanh tra các doanh nghiệp có sai phạm lớn. "Còn đơn vị cụ thể thì có doanh nghiệp Mường Thanh có sai phạm lớn ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội, Bộ Xây dựng đã có xử lý vi phạm. Còn xử lý sai phạm sâu hơn là trách nhiệm của TP. Hà Nội", Bộ trưởng Hà Phạm Hồng Hà thông tin.
Làm rõ hơn về xử lý những sai phạm trong quản lý xây dựng đô thị tại TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, quá trình phê duyệt quy hoạch chi tiết được thực hiện đúng theo quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát sinh trường hợp một số chủ đầu tư có vi phạm liên quan đến quy hoạch chi tiết về mật độ xây dựng, chiều cao công trình.
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, để khắc phục tình trạng này, thời gian qua Hà Nội đã tăng cường, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành… tổ chức thanh tra, kiểm tra, giao trách nhiệm cho chính quyền sở tại nơi có khu đô thị, giao trách nhiệm cụ thể cho lực lượng thanh tra chuyên ngành của Sở Xây dựng… Với các biện pháp quyết liệt, ông Chung thông tin, đã xử lý nhiều công trình và cán bộ.
Lãnh đạo TP. Hà Nội cũng khẳng định sẽ thực hiện nghiêm túc việc xử lý sai phạm tại tòa nhà số 8B Lê Trực. Quá trình xử lý còn chậm là do việc xử lý các tầng vi phạm giật cấp cần phải có thẩm định phương án kỹ thuật của cơ quan chuyên môn để bảo đảm an toàn trong quá trình tháo dỡ. Ông Chung hứa sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng để thẩm định kỹ thuật, công khai với dư luận và thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm tại công trình này.
Giải quyết bất cập bằng Luật Quy hoạch
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thẳng thắn thừa nhận, một trong trong những hạn chế của quy hoạch phát triển đô thị trong thời gian qua là do chưa có sự khớp nối, đồng bộ ở một số quy hoạch, giữa các quy hoạch với nhau, thậm chí giữa cùng một dạng quy hoạch nhưng ở các cấp độ khác nhau cũng chưa có sự kết nối.
Những bất cập được Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu ra ở trên sẽ được giải quyết tại Luật Quy hoạch. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các ngành lĩnh vực vẫn phải lập quy hoạch theo các ngành, lĩnh vực của mình nhưng phải được lồng ghép theo phương thức tích hợp trong quy hoạch tổng thể của một không gian nhất định. Quy hoạch tổng thể này đã được tính toán đầy đủ những vấn đề của các ngành, lĩnh vực.
“Ngoài ra, Luật Quy hoạch sẽ điều chỉnh tất cả các quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh về quy hoạch, trong đó có cả trách nhiệm của các bộ, ngành và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cũng như các bộ, ngành với địa phương trong thực hiện lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch. Bộ KH&ĐT và Bộ Xây dựng cùng các thành viên Chính phủ đến nay đã có những thống nhất cơ bản, không còn khúc mắc gì về các quy định trong Luật Quy hoạch, do đó sẽ sớm trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội để trình Luật Quy hoạch vào kỳ họp tới”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.