Xử lý nhà thầu vi phạm trong khai thác vật liệu cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - UBND Đồng Nai vừa phát hiện vi phạm trong thi công tại các mỏ đất đắp nền của Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dễ gây ra nguy cơ sạt lở.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có thông báo kết luận về việc xử lý nhà thầu sai phạm việc thực hiện thu hồi vật liệu san lấp phục vụ thi công Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Theo đó, để đảm bảo đủ nguồn vật liệu san lấp phục vụ thi công Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai đã tạo điều kiện hỗ trợ Ban Quản lý dự án Thăng Long và các nhà thầu thi công các vị trí cải tạo đất đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất phục vụ làm nguồn nguyên liệu đất đắp tại xã Xuân Hưng và Suối Cát, huyện Xuân Lộc.

Tuy nhiên, việc Ban Quản lý dự án Thăng Long, liên danh nhà thầu để xảy ra sai phạm nghiêm trọng khi thực hiện Dự án cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất tại xã Xuân Hưng và Suối Cát, huyện Xuân Lộc với các vi phạm thực hiện ra ngoài Dự án, thi công vượt cote, tạo vách đứng không đúng phương án được chấp thuận.

UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long, liên danh nhà thầu khẩn trương khắc phục tồn tại nêu trên, thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND Tỉnh, không để phát sinh sai phạm.

UBND Tỉnh cũng giao UBND huyện Xuân Lộc chỉ đạo Công an Huyện cùng các phòng, ban chuyên môn kiểm tra hiện trạng, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, môi trường đối với vị trí vi phạm tại xã Xuân Hưng. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND Tỉnh, đo đạc, xác định mức độ sai phạm tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định. Các nội dung này phải hoàn thành trước ngày 25/8.

Với vị trí thực hiện Dự án tại đồi Bình Minh, xã Suối Cát, việc để mái dốc ta luy thẳng đứng là rất nguy hiểm cần được khẩn trương xử lý để đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi và công trình trong mùa mưa. Liên danh nhà thầu có trách nhiệm thoả thuận với người dân có đất tại khu vực này để thống nhất phương án cải tạo tại chỗ, tạo vách taluy chống sạt lở, ổn định mái dốc công trình, nghiêm cấm việc chở vật liệu tại vị trí này ra khỏi khu vực. Trước khi thực hiện hạng mục này, liên danh nhà thầu phải có văn bản thông báo với chính quyền địa phương để giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km, nối hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, đưa vào khai thác cuối tháng 4/2023. Công trình giúp ôtô từ TP.HCM đi Phan Thiết còn hơn 2 giờ thay vì 4 - 5 giờ như trước.

Tin cùng chuyên mục