Phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn là yêu cầu cấp thiết để thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, các mặt hàng vẫn phải vượt nhiều rào cản để tăng xuất khẩu vào thị trường CPTPP.
Những kết quả bước đầu
Theo đánh giá của Chính phủ, với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động.
Nhìn ở lĩnh vực cụ thể, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho biết, dệt may và da giày là những ngành được đánh giá hưởng lợi nhiều nhất khi CPTPP có hiệu lực với mức thuế giảm sâu theo lộ trình.
Đánh giá về kết quả thực thi Hiệp định, số liệu công bố mới đây của một công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam vào các nước thành viên CPTPP tăng trưởng khả quan. Điển hình là xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 7,8%, Canada tăng 39,1%, Mexico tăng 24,1%... so với cùng kỳ năm trước. Riêng xuất khẩu hàng dệt may và da giày có mức tăng trưởng “nhảy vọt”: tăng 108,1% tại Canada; tăng 392,7% tại Mexico… Đối với hàng thủy sản, mặc dù chưa có dấu hiệu rõ rệt nhưng cũng ghi nhận một số kết quả tích cực: xuất khẩu hàng thủy sản 5 tháng đầu năm sang Nhật Bản tăng 11,6%, sang Mexico tăng 24,4%, sang Malaysia tăng 18,6%.
Đánh giá về việc tận dụng cơ hội từ CPTPP đối với doanh nghiệp (DN) da giầy, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận xét, xuất khẩu của ngành da giầy đã có bước tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu DN xuất khẩu sang thị trường CPTPP, bà Xuân lo lắng: “Hiện cả nước có 500 DN da giầy tham gia xuất khẩu, trong đó có 100 DN chiếm 70% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của ngành chủ yếu là các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); 400 DN còn lại chủ yếu là DN trong nước”.
Trong lĩnh vực thép, hơn 5 tháng qua, đơn hàng xuất khẩu thép của các DN Việt Nam vào thị trường CPTPP vẫn đếm trên đầu ngón tay. Hiện mới chỉ có Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen... có đơn hàng xuất khẩu vào thị trường này.
Với kết quả này, ông Phong cho rằng: “Những con số đạt được từ cơ hội mà CPTPP mở ra cho các DN Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn”.
Nhiều rào cản cần vượt qua
Về xuất khẩu mặt hàng da giầy vào thị trường CPTPP, bà Xuân nêu thực tế: “Qua theo dõi các số liệu xuất nhập khẩu cho thấy, hiện số lượng các DN FDI nhận được lợi ích từ CPTPP nhiều hơn các DN Việt Nam”. Đề cập về nguyên nhân chính của thực trạng này, bà Xuân chỉ ra: “Thách thức lớn nhất là các DN da giầy chưa nắm rõ các thông tin về thị trường, Hiệp định. Thứ hai là nguồn nguyên liệu. Hiện nguyên phụ liệu để sản xuất giầy thể thao chúng ta đã đáp ứng được khoảng 70 - 80%, nhưng nguyên liệu da chúng ta đang phải nhập khẩu lớn từ các thị trường ngoài CPTPP như Trung Quốc, Hàn Quốc... Bên cạnh đó, rào cản về thủ tục, kỹ thuật cũng đang rất vướng mắc”.
Đối với ngành dệt may, Bộ Công Thương cho rằng, việc khai thác ưu đãi thuế là không dễ, bởi muốn được ưu đãi phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như nguyên tắc xuất xứ rất khắt khe. Với năng lực, trình độ hiện nay, các tiêu chuẩn kỹ thuật không phải là vấn đề lớn của DN dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, nghĩa là từ công đoạn kéo sợi, dệt nhuộm vải đều phải thực hiện trong khu vực CPTPP là thách thức không nhỏ, vì Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu ngoài khu vực CPTPP.
Với xuất khẩu thép, ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty TNHH NS Bluescope Việt Nam nhìn nhận, giá bán sản phẩm của DN thép Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với các DN thép Trung Quốc. Hoặc nhìn về sản phẩm thép có hàm lượng công nghệ cao thì chúng ta còn có khoảng cách với các DN thép của Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Để những lợi thế từ CPTPP thực sự là cú huých cho DN Việt, bà Xuân cho rằng: “Việt Nam cần có chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy xuất khẩu, trong đó có hướng dẫn riêng cho từng ngành đặc thù nhằm giải quyết tận gốc bài toán về xuất xứ hàng hóa”.
Về tổng thể, Bộ Công Thương cho rằng, muốn thuyết phục được các thị trường mới có nhu cầu hàng hóa chất lượng cao, DN Việt Nam phải có sự đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, xây dựng các thương hiệu và tạo được giá trị riêng.