Nội dung hỏi đáp:
Trong quá trình quyết toán hợp đồng trọn gói, đơn vị tôi gặp trường hợp như sau: Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu là thực hiện theo hợp đồng trọn gói, thời gian thực hiện hợp đồng 60 ngày. Dự toán giá gói thầu được cấp thẩm quyền phê duyệt lập trên cơ sở lương chuyên gia, là căn cứ để chủ đầu tư thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt. Sau đó, chủ đầu tư đã thực hiện lựa chọn nhà thầu và ký kết với nhà thầu là thực hiện theo hợp đồng trọn gói. Nhà thầu đã thực hiện công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, sau đó được cấp thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, trên cơ sở đó chủ đầu tư nghiệm thu thanh toán theo quy định hướng dẫn đối với hợp đồng trọn gói (thanh toán trọn gói theo giá trị hợp đồng đã ký). Khi thực hiện trình Sở Tài chính thẩm tra phê duyệt quyết toán, với lý do là thời gian thực hiện hợp đồng là 60 ngày, mà thời gian thực hiện của nhà thầu từ khi ký hợp đồng đến khi kết thúc công việc chỉ có 30 ngày, nên phía thẩm tra phê duyệt quyết toán đã tính toán lại số ngày thực hiện chỉ là 30 ngày và yêu cầu giảm trừ phần chênh lệch còn lại. Mặc dù, phía chủ đầu tư đã giải trình về các quy định thực hiện đối với hợp đồng trọn gói (quy định về việc phải thực hiện hợp đồng trọn gói tại Luật Đấu thầu; các quy định khác có liên quan đối với hợp đồng trọn gói…) và quy định về "thẩm tra quyết toán tại Điểm d Khoản 6 Điều 40 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư công". Tuy nhiên, phía thẩm tra không chấp nhận phương án giải trình và coi đây là trường hợp thực hiện theo "hợp đồng theo thời gian", yêu cầu giảm trừ trên cơ sở tính toán lại theo số ngày chênh lệch so với thời gian thực hiện hợp đồng đã ký. Cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa được thống nhất giải quyết. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm giải đáp cho phương hướng giải quyết vấn đề này để đơn vị có cơ sở tháo gỡ.
Bộ Tài chính trả lời như sau:
Nội dung câu hỏi của ông Lâm chưa đủ thông tin về nguồn vốn thực hiện dự án (nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn khác); trường hợp sử dụng vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, thiếu thông tin năm sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thời điểm hoàn thành bàn giao đưa dự án vào khai thác sử dụng, thời điểm lập hồ sơ quyết toán trình phê duyệt, thời điểm nộp hồ sơ quyết toán.
Hiện nay, quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; trong đó:
Điều 31 quy định: "Vốn đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư để đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, dự toán được duyệt và hợp đồng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật (đối với những công việc thực hiện theo hợp đồng) kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền. Chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được duyệt hoặc được điều chỉnh, bổ sung theo quy định của pháp luật".
Điểm a khoản 1 Điều 40 quy định về nguyên tắc thẩm tra: "Thẩm tra tính tuân thủ các quy định về hợp đồng và quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của cấp có thẩm quyền; loại hợp đồng (không phân biệt hình thức lựa chọn nhà thầu). Kiểm tra số liệu tổng hợp chi phí và các khoản mục do chủ đầu tư lập trong báo cáo quyết toán. Trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán kiểm tra hồ sơ hoàn công để xác định khối lượng công việc hoàn thành đã nghiệm thu theo quy định".
Mặt khác, nội dung câu hỏi liên quan đến quy định về quản lý chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, quản lý hợp đồng tư vấn xây dựng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng; do đó đề nghị ông gửi câu hỏi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng để được hướng dẫn.