Nội dung hỏi đáp:
Tôi xin hỏi, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đường dây, trạm biến áp truyền tải điện do doanh nghiệp nhà nước đầu tư được thực hiện theo các quy định nào? Trình tự thực hiện như thế nào? Theo tôi tham khảo, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đường dây, trạm biến áp truyền tải điện (dự án ngành điện) do doanh nghiệp nhà nước là nhà đầu tư (EVNNPT) thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp nên không thuộc đối tượng áp dụng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 và khoản 8 Điều 77 Luật Đầu tư. Tuy nhiên, các dự án này có đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư. Những quy định này đã dẫn đến cách hiểu khác nhau về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các "dự án ngành điện" giữa UBND cấp tỉnh (theo Luật Đầu tư) và chủ sở hữu của doanh nghiệp (theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp). Mặt khác, theo điểm c khoản 2 Điều 58 Luật Xây dựng quy định về thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi có yêu cầu đánh giá sự phù hợp của dự án với chủ trương đầu tư được chấp thuận hoặc phê duyệt. Do đó, các "dự án ngành điện" do doanh nghiệp nhà nước đầu tư không được các cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định nêu trên. Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư: Vị trí thực hiện "dự án ngành điện" do doanh nghiệp nhà nước đầu tư đều phải thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên các doanh nghiệp nhà nước không có quyền sử dụng đất hoặc chưa được chấp thuận nhận chuyển nhượng để thực hiện dự án. Các dự án ngành điện này thuộc trường hợp nhà nước độc quyền theo quy định tại điểm c khoản 2a Điều 4 Luật Điện lực nên không bảo đảm tính cạnh tranh theo quy định của Luật Đấu thầu. Do đó, vướng mắc trong việc áp dụng đấu giá hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Mặt khác, các doanh nghiệp nhà nước này chưa có quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Đầu tư quy định:
"Chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư".
Việc chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh theo quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật này.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, việc quyết định dự án đầu tư của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Căn cứ các quy định nêu trên, việc chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước theo Luật Đầu tư và quyết định dự án đầu tư của chủ sở hữu theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là hai thủ tục khác nhau.
Do vậy, đề nghị nghiên cứu quy định để áp dụng trong trường hợp cụ thể.