Gói thầu: Xây lắp và thiết bị (bao gồm điện hạ thế)

0:00 / 0:00
0:00

Lĩnh vực: Xây lắp

Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư xã Tân Hưng, thành phố Bà Rịa

Bên mời thầu: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Nội dung kiến nghị/đề nghị làm rõ:

Tiêu chí HSMT:

Tại Mục 3 Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật thuộc Chương III của HSMT yêu cầu:

Mức độ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của vật liệu xây dựng và thiết bị thi công đưa vào công trình:

Có tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của mỏ vật liệu cát, đá sử dụng cho công trình; có tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hoặc hợp đồng cung cấp các vật tư, thiết bị chính đáp ứng yêu cầu thi công đưa vào công trình; có thuyết minh về tiêu chuẩn kĩ thuật, kiểm định của vật tư thiết bị đưa vào công trình phù hợp với gói thầu.

Kiến nghị/đề nghị làm rõ của nhà thầu:

Căn cứ văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ngày 28/12/2023, của UBND thành phố Bà Rịa, Liên danh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thành Công - Công ty CP Xây dựng kỹ thuật BMC (Liên danh Thành Công - BMC) và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA E&C đã kiến nghị Chủ đầu tư về việc bị loại do HSDT không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

Trong văn bản kiến nghị ngày 30/12/2023 Liên danh Thành Công - BMC cho biết, tại nội dung “mức độ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của vật liệu xây dựng”, Tổ chuyên gia đánh giá Nhà thầu sử dụng cát nghiền từ đá là không phù hợp, do hiện nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có bộ đơn giá định mức cho loại vật liệu này, đồng thời hồ sơ đính kèm của Nhà thầu không có kết quả thí nghiệm vật liệu này theo TCVN 9205:2012.

Liên danh Thành Công - BMC cho rằng, đối với yêu cầu về nguồn vật liệu sử dụng cho công trình, HSMT không có bất kỳ nội dung nào yêu cầu nhà thầu bắt buộc phải sử dụng cát tự nhiên. Đồng thời, qua tham chiếu hồ sơ thiết kế, danh mục vật liệu có liệt kê cát nghiền cho bê tông và vữa (TCVN 9505:2012). Như vậy, đánh giá của Tổ chuyên gia đi ngược lại với hồ sơ thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài vật liệu cát nghiền, Nhà thầu cho biết còn có hợp đồng nguyên tắc với đơn vị khai thác cát, đất (Công ty CP Đăng Lộc Phát, kèm Giấy phép khai thác khoáng sản số 02/GP-UBND ngày 20/1/2020). “HSMT áp dụng phương pháp chấm điểm, mà vật liệu cát chỉ là một chi tiết kỹ thuật chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong các mục điểm tổng quát. Do vậy, việc Tổ chuyên gia căn cứ vào loại vật liệu này để đánh giá mức điểm nhỏ hơn điểm tối thiểu, dẫn đến đánh giá Nhà thầu không đạt toàn bộ bước kỹ thuật là rất khiên cưỡng”, Liên danh phân tích.

Đối với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA E&C, Nhà thầu bị đánh giá không đạt tại tiêu chí “mức độ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật” do không có tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của mỏ vật liệu cát san lấp.

Trong văn bản kiến nghị Chủ đầu tư ngày 29/12/2023, Nhà thầu cho biết, HSDT có đính kèm Hợp đồng nguyên tắc cung ứng vật liệu san lấp (Hợp đồng số 1712/2023/HĐNT/VNEC.LV) cùng các tài liệu chứng minh bao gồm: Giấy phép khai thác khoáng sản số 81/GP-UBND cấp bởi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 20/11/2018; Kết quả thử nghiệm của Viện Năng suất chất lượng Deming ngày 31/5/2022. Theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, trường hợp nhận thấy các nội dung, tài liệu đính kèm trong HSDT chưa rõ, bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu bổ sung, làm rõ. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá HSDT, Nhà thầu không nhận được bất kỳ văn bản nào từ Bên mời thầu.

Dẫn chiếu quy định của pháp luật, bình luận, phân tích của chuyên gia:

Một chuyên gia đấu thầu cho rằng, trường hợp hồ sơ thiết kế đã đưa vật liệu cát nghiền làm tiêu chuẩn, và nhà thầu chào thầu theo yêu cầu mà Bên mời thầu đánh giá không đạt là sai so với hồ sơ thiết kế, HSMT. Nếu địa phương chưa công bố bộ đơn giá định mức loại vật liệu này, Bên mời thầu phải làm rõ lại sự phù hợp của hồ sơ thiết kế và vấn đề này không thuộc trách nhiệm của nhà thầu.

Cũng theo vị chuyên gia trên, vật liệu xây dựng chia thành 2 nhóm gồm vật liệu đặc thù và vật liệu thông thường, trong đó, cát, đá đều thuộc nhóm vật liệu thông thường. Chính vì thông thường nên các vật liệu này sẽ phải thí nghiệm chuyên ngành lại trước khi đưa vào xây dựng công trình, nên trong giai đoạn đấu thầu không cần/không được yêu cầu nhà thầu cung cấp tài liệu chứng minh như giấy phép khai thác mỏ.

Dưới góc độ pháp luật đấu thầu, Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT quy định, đối với vật liệu, nhà thầu chỉ cần đề xuất hợp đồng nguyên tắc hoặc cam kết về tính sẵn sàng cung ứng, mà không cần chứng minh nguồn gốc hay giấy phép khai thác mỏ tại bước dự thầu. Mặt khác, theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng, tại thời điểm nhà thầu đưa vật liệu vào công trình, nhà thầu được quyền thay đổi đơn vị cung cấp để có vật liệu đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng. Do đó, yêu cầu nhà thầu cung cấp giấy phép khai thác mỏ trong giai đoạn đấu thầu là không phù hợp. Kể cả trường hợp HSMT yêu cầu, nhà thầu không có trách nhiệm cung cấp tài liệu này, bên mời thầu cũng không được làm rõ để yêu cầu nhà thầu cung cấp hoặc loại bỏ ngay HSDT.

Trả lời, giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:

Ngày 3/1/2024, Chủ đầu tư có văn bản phúc đáp kiến nghị của 2 nhà thầu. Theo đó, căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc giám sát các chủ đầu tư khi tiến hành ký hợp đồng giao thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng cát, sỏi phải chứng minh bằng văn bản về nguồn gốc hợp pháp của cát, sỏi do nhà thầu cung cấp, chỉ phê duyệt thanh toán, quyết toán đối với phần khối lượng cát, sỏi có nguồn gốc hợp pháp. Như vậy, việc yêu cầu nhà thầu đề xuất tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ vật liệu là cần thiết. Các tài liệu này thuộc về bước đánh giá kỹ thuật, do đó, Bên mời thầu không tiến hành làm rõ HSDT.

Kết quả giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:

Chủ đầu tư không thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu.

Theo Văn bản số 7292/QĐ-UBND ngày 28/12/2023 của UBND thành phố Bà Rịa, nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Tín Nghĩa Xuyên Mộc.

Tin cùng chuyên mục