Nội dung hỏi đáp:
Theo Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020, khoản 53 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 148 như sau:
“53. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 148 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 và Khoản 4 như sau:
“3. Những chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật này bao gồm giám đốc quản lý dự án đầu tư xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; tư vấn giám sát thi công xây dựng; chủ trì lập, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Chứng chỉ hành nghề được phân thành hạng I, hạng II và hạng III”…”.
Theo Điều 66 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021, điều kiện chung để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng quy định, chỉ xét bằng đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc chuyên ngành phù hợp. Những cá nhân như tôi có bằng thạc sĩ Kỹ thuật Xây dựng, có chuyên môn, năng lực kinh nghiệm phù hợp với lĩnh vực hoạt động xây dựng, được tín nhiệm cao của tổ chức công tác, nhưng không thể thi chứng chỉ hành nghề vì điều kiện chung để xét cấp chứng chỉ hành nghề là bằng đại học, cao đẳng, trung cấp theo quy định tại Điều 66 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP. Vậy khi tổ chức phân công vào các vị trí quy định yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề theo luật thì có bị phạm luật không, hình phạt ra sao?
Bộ Xây dựng trả lời như sau:
1. Những chức danh khi tham gia hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được quy định cụ thể tại khoản 53 Điều 1 Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 148 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 của Quốc Hội.
2. Điều kiện chung khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được quy định cụ thể tại Điều 66 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.