Bên mời thầu: Công ty TNHH Đầu tư xây dựng A&M
Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu)
Nội dung kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Tiêu chí HSMT:
Tại Chương V Yêu cầu về kỹ thuật, HSMT yêu cầu đơn vị cung cấp sản phẩm đèn Led có các chứng nhận hệ thống quản lý: ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, ISO 45001:2018, ISO 50001:2018 (kèm theo chứng nhận, quyết định) để phân biệt hàng kém chất lượng.
Tủ điều khiển thông minh: Tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng: QCVN 73:2013/BTTTT; QCVN 96:2015/BTTTT; QCVN 86:2019/BTTTT; QCVN 117:2018/BTTTT và theo hồ sơ thiết kế được duyệt. Hãng sản xuất có chứng nhận hệ thống quản lý ISO 9001:2015; ISO/IEC 27001:2013; ISO 50001:2018.
Bộ đèn có tuổi thọ ≥ 100.000 giờ theo TCVN 10885-2-1:2015/IEC 62722-2-1:2014 và hệ số duy trì quang thông ≥ 90% theo TCVN 10485:2015/IEC 62717:2014 của đơn vị độc lập không quá 06 tháng tại các trung tâm kiểm định tại Việt Nam.
Kết quả miễn nhiễm điện từ, đạt nhấp nháy điện áp, tủ điện chiếu sáng cũng bắt buộc kiểm định độc lập không quá 6 tháng tại các trung tâm kiểm định tại Việt Nam.
Chỉ số IK (độ chịu va đập) ≥ IK10 theo TCVN 7722-2-3:2007 (IEC 60598-2- 3:2002).
Kiến nghị/đề nghị làm rõ của nhà thầu:
Theo Nhà thầu, HSMT yêu cầu đơn vị cung cấp sản phẩm đèn Led có các chứng nhận hệ thống quản lý: ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, ISO 45001:2018, ISO 50001:2018 (kèm theo chứng nhận, quyết định) để phân biệt hàng kém chất lượng là sai bản chất. Theo Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg ban hành danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới thì đèn Led thuộc phạm vi của văn bản này. Tuy nhiên, việc áp dụng là theo tiêu chuẩn TCVN 12666:2019, không phải ISO 50001:2018. Vì vậy, yêu cầu dán nhãn năng lượng cho đèn Led hiện nay trên tinh thần tự nguyện chứ chưa phải bắt buộc. Bên cạnh đó, yêu cầu ISO 50001:2018 tại thời điểm này là vi phạm điểm e, khoản 1 Phụ lục 09 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT “quy định các tiêu chí mà pháp luật chuyên ngành không yêu cầu”.
Nhà thầu cho rằng, theo TCVN 10885-2-1:2015, tuổi thọ của đèn Led trong hầu hết các trường hợp dài hơn rất nhiều so với thời gian thử nghiệm thực tế. Tuổi thọ của bộ đèn do nhà cung cấp công bố chỉ mang tính chất tham khảo, hơn nữa nếu muốn thử nghiệm bộ đèn trong lô hàng dự thầu thì cũng không làm được do thời gian quá dài. Thời gian thử nghiệm là 25% tuổi thọ danh định nhưng tối đa là 6.000 giờ (tương đương hơn 8 tháng cho bộ đèn sáng cả ngày và đêm, nếu chỉ sáng vào ban đêm thì cần hơn 16 tháng, với chi phí lên đến khoảng 250.000.000 đồng). Do đó, để thực hiện được phép thử nghiệm trên thì thời gian quá dài và gây ra sự lãng phí quá lớn. Cho nên việc thực hiện thử nghiệm cho từng mẫu đèn, từng công suất cụ thể là bất khả thi. Đồng thời, hiện nay không có văn bản nào quy định kết quả thí nghiệm chỉ được sử dụng không quá 6 tháng.
Đối với yêu cầu về chỉ số IK (độ chịu va đập) ≥ IK10 là không cần thiết vì hiện nay các nhà sản xuất chỉ sản xuất bộ đèn có chỉ số va đập IK08-IK09, sử dụng loại kính dày 4 - 5mm. Việc yêu cầu IK10 sẽ phải sử dụng loại kính 10 - 12mm là quá dày và quá nặng, làm giảm hiệu suất phát sáng.
Việc HSMT yêu cầu rất nhiều quy chuẩn, chứng nhận ISO, kết quả thí nghiệm... là không cần thiết và hạn chế sự tham dự của nhà thầu. Vì hiện nay đơn vị sản xuất, cung cấp đèn Led chiếu sáng muốn hoạt động phải trải qua rất nhiều quy trình để xin cấp phép hợp quy, hợp chuẩn...; sản phẩm sau khi sản xuất phải thông qua các thí nghiệm đúng quy định mới được cung cấp cho thị trường. Do đó, thay vì yêu cầu quá nhiều tiêu chuẩn, ISO thì HSMT nên yêu cầu cung cấp CO, CQ khi thi công lắp đặt, cũng như yêu cầu cao về trách nhiệm trong công tác bảo hành, bảo trì để hạn chế những rủi ro sau này cho Bên mời thầu.
Theo Nhà thầu, đây là công trình hạ tầng kỹ thuật mà phần hệ thống chiếu sáng chỉ chiếm khoảng 10% khối lượng, còn lại phần lát gạch vỉa hè và cây xanh chiếm khoảng 90% khối lượng nhưng Bên mời thầu lại yêu cầu cao các tiêu chí về hệ thống chiếu sáng có thể gây hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
Dẫn chiếu quy định của pháp luật, bình luận, phân tích của chuyên gia:
Theo chuyên gia đấu thầu Phạm Minh Yến, HSMT cần được xây dựng đúng mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, tuân thủ nghiêm pháp luật chuyên ngành để không đưa ra các tiêu chí hạn chế nhà thầu. Việc lấy lý do các tiêu chí bất cập trong HSMT được xây dựng từ quyết định phê duyệt của người có thẩm quyền cần được chấn chỉnh vì quyết định hành chính không thể vượt trên quy định pháp luật hiện hành.
Trả lời, giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Ngày 09/9/2024, Chủ đầu tư trả lời Nhà thầu như sau: Nội dung kiến nghị của Nhà thầu không thuộc các tiêu chí đánh giá HSDT kèm theo HSMT do tư vấn đấu thầu lập, được Chủ đầu tư phê duyệt mà thuộc quy định tại hồ sơ thiết kế xây dựng do tư vấn thiết kế lập, được UBND huyện Hòa Bình phê duyệt.
Kết quả giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Chủ đầu tư đã điều chỉnh tiêu chí chỉ tiêu va đập IK thành ≥ 8 sẽ được đánh giá đáp ứng. Các nội dung khác đã phát hành của HSMT giữ nguyên. Đồng thời, thời gian đóng thầu được gia hạn từ ngày 9/9 sang ngày 13/9/2024.