Nhiều địa phương thận trọng khi đổi đất lấy hạ tầng: Muộn còn hơn không!

(BĐT) - Cùng với việc đầu tư BT nóng trở lại trong thời gian gần đây, rất nhiều ý kiến quan ngại về việc “đất vàng” bị thâu tóm với giá rẻ mạt do việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức này không đảm bảo cạnh tranh thực sự. Bước đi thận trọng lúc này là cần thiết để tránh nguy cơ thất thoát tài sản công và những hệ lụy khôn lường về sau.
Khi Nghị định thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP được ban hành sẽ có nhiều quy định mới quản lý đầu tư dự án BT chặt chẽ hơn. Ảnh: Nhã Chi
Khi Nghị định thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP được ban hành sẽ có nhiều quy định mới quản lý đầu tư dự án BT chặt chẽ hơn. Ảnh: Nhã Chi

Lo ngại đất vàng bị thâu tóm rẻ mạt

Một hai năm trở lại đây, khi nguồn lực đầu tư công ngày càng hạn hẹp, dự án BOT còn ít dư địa thu phí và vấp phải sự phản đối của dư luận, trào lưu đầu tư BT nở rộ tại nhiều địa phương. Cơn sốt này tuy chưa thể đánh giá đầy đủ hệ lụy nếu có vì đa phần dự án đang ở bước lựa chọn nhà đầu tư hoặc mới thực hiện, chưa hoàn thành, bàn giao. Thế nhưng, những lo ngại về việc thâu tóm “đất vàng” với mức giá không sát giá thị trường nhờ thực hiện dự án BT là không thừa khi nhìn vào thực tế rất nhiều dự án BT được phê duyệt thời gian qua là do nhà đầu tư đề xuất và sau đó được chỉ định cho chính nhà đầu tư đó. 

Theo nhiều ý kiến, nếu không thực hiện theo hình thức BT, thì quỹ đất nếu đã giải phóng mặt bằng có thể đấu giá, chưa giải phóng mặt bằng có thể đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nhà nước thu tiền về, sau đó đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án công. Với việc thực hiện dự án BT và nhà đầu tư được chỉ định, nguy cơ thất thoát tăng lên gấp đôi, khi nhà đầu tư đề xuất dự án có thể nâng tổng mức đầu tư dự án BT và định giá thấp khu đất đối ứng. Bằng cách nhảy vào dự án BT, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản, nhà thầu xây dựng đã dễ dàng có được các khu đất ở vị trí đắc địa, mà không phải trải qua đấu giá cạnh tranh. Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia đều có chung cảnh báo phải thận trọng và siết chặt quản lý với hình thức này.

Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền cũng dẫn ra thực tế hình thức đầu tư BT rất dễ bị lợi dụng, biến tướng vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rất lớn ở các địa phương, cũng như để lại nhiều hệ lụy như công trình dở dang, dự án treo, dễ có điểm nóng về xã hội. Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có đánh giá đầy đủ và có các biện pháp để chấn chỉnh kịp thời tình trạng đầu tư theo hình thức BT thiếu hiệu quả. 

Bắt đầu thắt chặt

Là một trong những địa phương đã và đang thực hiện nhiều dự án BT, TP.HCM mới đây đã có những động thái nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức này. Tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã khẳng định chủ trương của Thành phố là đấu giá đất công khai để tăng thu cho ngân sách, tuyệt đối không dùng những mảnh đất đẹp, nằm ở vị trí đắc địa để thanh toán cho các dự án BT. Theo đó, TP.HCM đã tạm dừng các dự án BT đang thảo luận đàm phán để chờ quy trình mới, trừ các dự án đã có chỉ đạo của Chính phủ.

UBND TP.HCM cũng vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan đến việc triển khai dự án BT trên địa bàn. Trong đó, UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng danh mục quỹ đất để công bố công khai làm cơ sở thanh toán cho hợp đồng BT các dự án; xây dựng phương án tạo quỹ đất sạch, cơ chế quản lý, tạo vốn từ quỹ đất để đầu tư phát triển...

Thái Bình – địa phương rộ lên nhiều dự án BT lớn trong thời gian gần đây, cũng bắt đầu có bước đi thận trọng. Ngày 1/11/2017, UBND tỉnh Thái Bình có Công văn số 4202/UBND-CTXDGT tạm dừng phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư các dự án PPP trên địa bàn Tỉnh, trong đó có dự án Trung tâm hội nghị tỉnh Thái Bình mà dư luận rất quan tâm. UBND tỉnh Thái Bình đồng thời giao các sở, ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND Tỉnh các giải pháp để nâng cao giá trị quyền sử dụng đất các khu đất đối ứng cho các dự án BT, nghiên cứu áp dụng phương án đấu giá đất các khu đất đối ứng dự án BT.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thái Bình đã có Văn bản số 3874/UBND-KT ngày 10/10/2017 tạm dừng các thủ tục bán đấu giá tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và công ty nhà nước trên địa bàn Tỉnh cho đến khi Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành.

Cùng với động thái của các địa phương, thời gian tới, khi Nghị định thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP được ban hành sẽ có rất nhiều quy định mới quản lý đầu tư dự án BT chặt chẽ hơn. Một trong những sửa đổi quan trọng để giảm thất thoát khi thực hiện dự án BT là quy định việc lựa chọn nhà đầu tư dự án BT được thực hiện sau khi dự án có thiết kế và dự toán xây dựng công trình, để đảm bảo khi tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, giá trị công trình BT là tương đối chính xác. Quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư phải được xác định và phê duyệt trong báo cáo nghiên cứu khả thi làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hợp đồng dự án BT phải thỏa thuận và quy định rõ nguyên tắc xử lý khi quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư trong dự án BT được cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch làm thay đổi giá trị quyền sử dụng đất.

Tin cùng chuyên mục