1001 lý do không lên sàn của DNNN hậu cổ phần hóa

(BĐT) - Văn phòng Chính phủ vừa công khai danh sách các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã cổ phần hóa (CPH) nhưng chưa đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Chậm đưa cổ phần lên giao dịch trên thị trường có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách thông qua cổ phần hóa DNNN. Ảnh: Tiên Giang
Chậm đưa cổ phần lên giao dịch trên thị trường có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách thông qua cổ phần hóa DNNN. Ảnh: Tiên Giang

Đây là một trong những động thái cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong việc thúc đẩy các DN lên sàn nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư giao dịch CP, tăng sức hấp dẫn cho các đợt đấu giá tới đây.

Lý do

Tính đến ngày 31/12/2016, có 578 DN trực thuộc 14 bộ/ngành, 41 địa phương, 29 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa lên giao dịch tại sàn UPCoM (thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết) và chưa lên niêm yết. Theo đó, số lượng DN chưa đăng ký giao dịch là 301 đơn vị, 205 đơn vị chưa đủ điều kiện đăng ký niêm yết, và số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện đăng ký niêm yết nhưng chưa thực hiện niêm yết là 72 đơn vị.

Trong 3 tháng đầu năm 2017, có một số DN trong danh sách đã đăng ký niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (Hose), hoặc trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty CP Xây lắp điện 1, Tập đoàn Dệt may Việt Nam… 

Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, đa số nguyên nhân khiến việc chậm trễ đưa cổ phiếu lên giao dịch tại sàn UPCoM hoặc lên niêm yết được các DN đưa ra là chưa phải công ty đại chúng do không đáp ứng tiêu chí có ít nhất 100 nhà đầu tư, hoặc do vốn điều lệ chưa đạt đủ 10 tỷ đồng. Một số DN cho biết đang trong quá trình làm thủ tục để đưa chứng khoán lên giao dịch, hay đang trong quá trình bàn giao sang cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Không ít đơn vị phân trần rằng do khó khăn, đang trong quá trình thay đổi tổ chức và cơ cấu lại hoạt động DN. Đáng chú ý, nhiều DN cho biết sẽ xin ý kiến tại ĐHĐCĐ năm 2017 về việc lên sàn sau khi bị thúc ép việc báo cáo.

Cần kiểm tra lại nội dung báo cáo

Thông tư số 115/2016/TT-BTC ban hành ngày 30/6/2016 trong đó có hướng dẫn cụ thể các DN lên sàn sau khi đấu giá. Theo đó, trong vòng chưa đầy một tháng kể từ khi đấu giá, DN phải đưa CP lên giao dịch tại UPCoM. Tuy nhiên, từ đó đến nay, có không ít DN đấu giá nhưng chưa DN nào thực hiện đúng theo quy định này.
Bình luận về lý do không đủ điều điều kiện là công ty đại chúng để không lên sàn mà một số DN đưa ra, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, lý do này không đúng và cần phải kiểm tra lại. Ông Hải nêu dẫn chứng, một số trường hợp như Sabeco và Petrolimex,  2 công ty này cũng “trốn” niêm yết trong nhiều năm, sau đó đã bị đưa ra chứng cứ và buộc phải niêm yết.

Vẫn theo ông Nguyễn Hoàng Hải, cơ quan giám sát việc đưa cổ phiếu lên giao dịch hoặc niêm yết với chức năng quản lý các công ty đại chúng nhưng đã không thực hiện hiệu quả việc giám sát. Ông Hải cho rằng, để thực hiện việc đưa các công ty lên giao dịch tại sàn chứng khoán thì cần phải giao thêm chức năng giám sát cho một số cơ quan như hiệp hội, tổ chức dân sự hoặc tổ chức phi chính phủ.

Một chuyên gia về chứng khoán cho rằng, thay vì bó cứng quy định công ty đại chúng thỏa mãn cả hai điều kiện: có ít nhất 100 cổ đông và vốn điều lệ 10 tỷ đồng thì chỉ cần quy định: DN đã phát hành ra công chúng là phải lên giao dịch (ít nhất là UPCoM). Việc chậm đưa CP lên giao dịch trên thị trường sẽ ảnh hưởng xấu đến mức độ thành công của các đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng của các DNNN do tính thanh khoản của cổ phần đấu giá thấp. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách nhà nước thông qua việc CPH DNNN. Việc chậm đưa cổ phần lên giao dịch hoặc niêm yết sẽ khiến tình hình tài chính không được minh bạch và không có cơ chế giám sát hiệu quả việc quản trị và hoạt động của đơn vị này.

Mặc dù đưa ra nhiều lý do dẫn đến chậm đưa cổ phiếu lên giao dịch, không ít ý kiến cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là do ý chí chủ quan của chính các DN. Thông tư số 115/2016/TT-BTC ban hành ngày 30/6/2016 trong đó có hướng dẫn cụ thể các DN lên sàn sau khi đấu giá. Theo đó, trong vòng chưa đầy một tháng kể từ khi đấu giá, DN phải đưa CP lên giao dịch tại UPCoM. Tuy nhiên, từ đó đến nay, có không ít DN đấu giá nhưng chưa DN nào thực hiện đúng theo quy định này.

Tin cùng chuyên mục