3 trở ngại “cản đường” phát triển của DNNVV Việt Nam

(BĐT) - Một báo cáo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam được Nhóm công tác về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc khuôn khổ Sáng kiến chung Việt Nhật – giai đoạn VI công bố tại Hội thảo Chính sác hỗ trợ DNNVV – Kinh nghiệm từ Nhật Bản diễn ra sáng ngày 2/3, tại Hà Nội đã chỉ ra 3 trở ngại lớn đang ảnh hưởng đến sự phát triển của DNNVV Việt Nam.
3 trở ngại “cản đường” phát triển của DNNVV Việt Nam

Kết quả khảo sát cho biết, hiện số lượng DNNVV ở Việt Nam khoảng 600.000 doanh nghiệp (DN), chiếm 98% tổng số DN Việt Nam. Các DN này chiếm 41% nguồn thu ngân sách, chiếm 78% lao động và đóng góp 49% GDP. Tuy nhiên, qua khảo sát, các DNNVV Việt Nam hiện còn gặp phải rất nhiều trở ngại, khó khăn, trong đó cộm lên là: thiếu vốn, chính sách của Chính phủ không có tác dụng phát triển DNNVV và năng lực kinh doanh hạn chế.

Về hiện trạng thiếu vốn, kết quả khảo sát cho biết, nhiều DN trong các DN được khảo sát thiếu tài sản đảm bảo nên khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Khi trao đổi với ngân hàng thì được biết lý do là DNNVV kém minh bạch nên ngân hàng không yên tâm. Nếu DN không có tài sản đảm bảo thì rủi ro quá cao nên ngân hàng không thể cho vay dẫn đến bất cập là DN  thiếu vốn nhưng lại không thể vay được vốn. Vì thiếu vốn nên các DNNVV không thể đầu tư cho nghiên cứu- phát triển, đầu tư trang thiết bị nên DN cũng không thể nhận được các đơn đặt hàng. Hơn nữa, các vấn đề về lãi suất vay cũng chưa hỗ trợ DNNVV.

Đối với trở ngại về chính sách của Chính phủ không có tác dụng phát triển DNNVV xảy ra đối với thuế thu nhập DN; quy định nhập khẩu máy móc qua sử dụng… Báo cáo khảo sát nhấn mạnh: “Thuế thu nhập DN là gánh nặng lớn cản trở DN đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu phát triển, tuyển dụng – đào tạo nguồn nhân lực…”. Hiện thuế suất đối với các DN nói chung là 20%, với các DN trong khu công nghiệp thì được miễn thuế 2 năm, giảm 50% thuế trong 4 năm kế tiếp. Tuy nhiên, các DN được khảo sát thì phần lớn nằm ngoài khu công nghiệp bởi phí thuê đất ở khu công nghiệp cao, DN không thể trả nhiều lần nên DN khó mà vào được khu công nghiệp để hưởng ưu đãi.

Bên cạnh đó quy định về nhập khẩu máy móc thiết bị qua sử dụng cũng gây khó cho DN.

Đề cập về trở ngại năng lực kinh doanh của DNNVV đang thấp, kết quả khảo sát chỉ ra, có tới 55,6% giám đốc các DNNVV có trình độ dưới trung cấp, họ không học về các kiến thức quản trị kinh doanh hiện đại nên không lập được kế hoạch kinh doanh. Do vậy, kinh doanh thường dựa vào cảm giác kinh nghiệm của bản thân nên mức độ rủi ro khá cao.

Một điểm đáng lưu ý khác từ kết quả khảo sát cũng chỉ ra, vẫn còn một số DN cho biết có các khoản thu, phí không chính thức của cơ quan hành chính, thậm chí có cả trường hợp bị đòi thủ tục hối lộ khi làm thủ tục hoàn thuế. Có một số DN hối lộ lên đến 10-20% tổng chi phí của DN.

Từ hiện trạng đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp để từng bước tháo gỡ những khó khăn này trợ giúp DNNVV phát triển.

Tin cùng chuyên mục