83 "ông lớn" có tổng tài sản gần 2,8 triệu tỷ đồng, vay nợ 1,5 triệu tỷ đồng

Tổng tài sản của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ - công ty con (gồm 83 doanh nghiệp) là 2.776.384 tỷ đồng; tổng số nợ phải trả lên tới 1.530.667 tỷ đồng, tăng 1,3% so với thực hiện năm 2016.
Theo báo cáo của các Tập đoàn, Tổng công ty phần lớn các Công ty mẹ đều bảo toàn được vốn chủ sở hữu.
Theo báo cáo của các Tập đoàn, Tổng công ty phần lớn các Công ty mẹ đều bảo toàn được vốn chủ sở hữu.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2017 và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Số liệu báo cáo hợp nhất về tổng tài sản của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ - công ty con (gồm 83 doanh nghiệp) là 2.776.384 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2016. Trong cơ cấu về tài sản, tỷ trọng tài sản cố định chiếm bình quân là 39%.

Báo cáo của Công ty mẹ Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong nhóm Công ty mẹ - công ty con (sau đây gọi là Công ty mẹ) có tổng tài sản là 1.945.532 tỷ đồng (tính riêng Công ty mẹ khối Tập đoàn, Tổng công ty tổng tài sản là 1.905.246 tỷ đồng), tăng 7% so với thực hiện năm 2016.

Báo cáo hợp nhất của các Tập đoàn, Tổng công ty có tổng các khoản phải thu là 409.074 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2016. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 14.114 tỷ đồng , tăng 4% so với thực hiện năm 2016, chiếm 3,8% tổng số nợ phải thu.

Báo cáo của Công ty mẹ, tổng các khoản phải thu là 427.233 tỷ đồng giảm 1% so với năm 2016. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 7.563 tỷ đồng, giảm 21% so với thực hiện năm 2016, chiếm 1,8% tổng số nợ phải thu.

Đáng lưu ý, theo báo cáo hợp nhất của các Tập đoàn, Tổng Công ty có tổng số nợ phải trả lên tới 1.530.667 tỷ đồng, tăng 1,3% so với thực hiện năm 2016, chiếm 56,5% tổng nguồn vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2017 là 1,25 lần (có 20 Tập đoàn, Tổng công ty có tỷ lệ Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần; Công ty mẹ là 20 đơn vị ).

Một số đơn vị có số nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tương đối lớn như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (146.585 tỷ đồng); Tập đoàn Điện lực (132.071 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (48.648 tỷ đồng); Tập đoàn Viễn thông quân đội (43.485 tỷ đồng); Tập đoàn Hóa chất (28.417 tỷ đồng); Tổng công ty Công nghiệp Xi măng (12.843 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Cao su (10.307 tỷ đồng)...

Theo đánh giá của Chính phủ, về cơ bản, theo báo cáo của các Tập đoàn, Tổng công ty phần lớn các Công ty mẹ đều bảo toàn được vốn chủ sở hữu (trừ một số doanh nghiệp có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh bị lỗ).

Ngoài ra, một số Công ty mẹ có vốn chủ sở hữu năm 2017 thay đổi giảm do các đơn vị này đang triển khai thực hiện tái cơ cấu theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị; Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện.

Theo báo cáo hợp nhất của các Tập đoàn, Tổng công ty, tổng doanh thu đạt 1.455.921 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 154.569 tỷ đồng, tăng 27% so với thực hiện năm 2016. Các Tập đoàn, Tổng công ty có lợi nhuận kế toán trước thuế đạt cao trên 2.000 tỷ đồng vẫn chủ yếu ở những đơn vị có quy mô lớn .

Lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của 3 Tập đoàn, Tổng công ty (bao gồm số lỗ phát sinh của công ty mẹ và công ty con) là 177,893 tỷ đồng. Bên cạnh đó, báo cáo hợp nhất có 10 Tập đoàn, Tổng công ty còn lỗ lũy kế là 12.074 tỷ đồng và 2 Công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 1.791 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục